Vì sao phụ nữ ngày xưa ăn chuối phải bẻ đôi, 1001 quy tắc cực khắt khe chuyện ăn uống (module này đang phát triển)
Giải trí
Với phụ nữ Hà Thành xưa phải tuân thủ rất nhiều quy tắc trong việc ăn uống, trong đó có việc khi ăn chuối không được ăn cả quả mà phải bẻ đôi.
Người Hà Thành xưa vốn rất cầu kỳ, kỹ lưỡng trong nếp sống hằng ngày, dù đơn giản nhưng vẫn thể hiện sự chỉn chu, thậm chí có chút phức tạp. Đặc biệt trong chuyện ăn uống, người Hà Nội xưa rất chú trọng về cách ăn, sao cho thanh lịch với nhiều quy tắc riêng.
Đây được xem như một bộ môn nghệ thuật, với phụ nữ Hà Nội xưa thường tuân theo những quy tắc trên bàn ăn được gia đình dạy dỗ, hướng dẫn từ khi còn nhỏ. Đơn giản như việc ăn chuối cũng phải sao cho thật trang nhã, lịch sự.
Những cô gái Hà Thành xưa luôn được dạy dỗ phải thật thanh lịch, trang nhã và ý tứ trong mọi việc (Ảnh minh họa)
Cụ thể phụ nữ khi ăn uống không được cầm cả quả lên ăn mà phải bẻ đôi ra, từ từ ăn nhẹ nhàng, thanh lịch. Quy cách ăn chuối cùng phải theo từng bước như trước khi bóc chuối thường lấy móng tay cấu nhẹ vào giữa thân quả, chia quả chuối thành 2 nửa đều nhau. Sau đó bẻ chuối ra làm đôi, bóc vỏ mỗi nửa quả lần lượt tạo thành hình cánh hoa, rồi mới từ tốn đưa lên miệng ăn.
Những cô gái Hà Nội thời trước nếu ngồi bóc vỏ ăn cả quả chuối thường bị phán xét là kém duyên, thiếu ý tứ. Thậm chí có những câu chuyện về việc các cụ thấy các thiếu nữ ăn chuối không bẻ đôi thường sẽ đánh giá không thể làm dâu được.
Ở thời buổi hiện tại khi nhìn lại nhiều người sẽ thấy quy tắc này khá hà khắc và cứng nhắc, không còn phù hợp nhưng thực sự nó đã tồn tại trong nếp sống của người Hà Thành xưa. Ngoài chuối, khi ăn bắp ngô cũng phải bẻ đôi.
Phụ nữ Hà Thành xưa khi ăn chuối phải bẻ đôi
Người Hà Thành thưởng chức chuối thường kèm thêm cốm non xanh. Cách ăn này vẫn được lưu giữ đến ngày nay, khi vào mùa thu, cốm non ngon được ăn cùng với chuối ngự. Đây được xem như món ngon phải thử mỗi khi đến với Hà Nội.
Tuy nhiên có 2 trường hợp ngoại lệ khi ăn chuối không cần bẻ đôi là chuối lá và chuối hột. Theo quan niệm xưa, nếu bẻ đôi chuối lá có thể không giữ được lớp xơ lá, còn chuối hột khi ăn phải để nguyên cả vỏ dày, bóp nhũn ra, nếu không bóp sẽ bị chát.
Cách ăn chuối của người Hà Thành xưa rất cầu kỳ
Ngoài quy tắc cầu kỳ khi ăn chuối, phụ nữ Hà Thành xưa cũng cần tuân thủ 1001 quy tắc khắt khe trên bàn ăn để ra dáng cốt cách thanh lịch như: miếng thịt phải thái nhỏ để gắp vừa bát , không bỏ cả quả trứng vào chén cơm mà phải xắn làm đôi, trước khi ăn phải mời từ vai vế lớn đến bé...
Cách cầm bát đũa cũng phải để ý, khi chan canh phải đặt đũa xuống mâm, hứng bát sát tô canh rồi mới chan . Khi gắp thức ăn phải gọn gàng, không bới chọn, bỏ vào bát cơm của mình rồi mới ăn, không được đưa trực tiếp vào miệng hay làm rơi vãi.
Ngoài ra, không nếm húp canh bằng thìa chan chung . Với những món ăn có xương như thịt gà, xương lợn, bò, cá...khi lấy xương phải bỏ vào bát bên ngoài mâm. Trong lúc ăn không may bị sặc, ho phải lấy tay che miệng, xin phép ra ngoài đến khi hết mới trở lại ăn tiếp.
Trên mâm cơm cũng có 1001 quy tắc
Khi nhai phải khép miệng kín đáo, không nhai nhồm nhoàm hay để phát ra tiếng chóp chép. Không vừa ăn vừa nói. Sau khi ăn xong xếp gọn bát đũa của mình rồi xin phép và mang đi, không để lại trên mâm.
Hiện tại một số quy tắc trên bàn ăn này vẫn còn tồn tại trong nếp sinh hoạt của nhiều gia đình. Ngày nay dù thời cuộc có nhiều thay đổi, những quy tắc khắt khe cũng không còn phù hợp với sự cởi mở, thoải mái và đơn giản. Tuy nhiên văn hóa ăn uống của người Hà Thành xưa vẫn là một nét gì đó rất thú vị, thể hiện cho sự trang nhã, thanh lịch chuẩn câu nói "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
Ảnh: Tổng hợp