Thư xin việc cho sinh viên mới ra trường cần tránh các lỗi nào? (module này đang phát triển)
Bản tin 247
Bước chân vào thị trường lao động và tìm kiếm việc làm thường là thách thức đối với nhiều sinh viên vừa mới ra trường. Một phần quan trọng trong quá trình này là viết thư xin việc.
Thư xin việc (hoặc đơn xin việc hay cover letter) là cơ hội để bạn tỏ ra chuyên nghiệp và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, không ít người mắc phải những lỗi khá phổ biến khi viết thư xin việc, gây ấn tượng không tốt cho nhà tuyển dụng.
Dưới đây là 7 lỗi cần tránh khi viết thư xin việc cho sinh viên mới ra trường, hãy cùng tham khảo nhé.
Sử dụng một mẫu thư gửi cho nhiều công ty
Một sai lầm thường gặp của sinh viên mới ra trường khi tìm việc làm tại TPHCM hay nhiều nơi khác là sử dụng cùng một mẫu thư xin việc để ứng tuyển cho nhiều vị trí khác nhau. Khi ứng tuyển nhiều vị trí cùng lúc, việc sử dụng mẫu thư xin việc có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian, nhưng đa phần nhà tuyển dụng có thể nhận ra ngay. Những thư xin việc này cho nhà tuyển dụng cảm giác bạn không nhiệt huyết với vị trí ứng tuyển, không tìm hiểu hay tập trung vào công ty họ. Do đó, để tăng cơ hội được mời phỏng vấn, bạn nên dành thời gian để điều chỉnh thư xin việc phù hợp với từng vị trí.
Hãy tìm hiểu về công ty và vị trí tuyển dụng trước khi viết thư xin việc. Điều này giúp bạn biết cần tùy chỉnh thông tin nào và nên đưa vào thư những kinh nghiệm và kỹ năng nào phù hợp với yêu cầu công việc. Đây là cách tốt để thư xin việc của bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Viết thư xin việc quá dài
Một số sinh viên nghĩ rằng thư xin việc dài sẽ thể hiện sự nhiệt huyết. Trên thực tế, nhà tuyển dụng không có quá nhiều thời gian dành cho một bức thư xin việc quá dài. Hãy trình bày những kinh nghiệm và kỹ năng có liên quan đến công việc một cách ngắn gọn, tránh lan man dài dòng. Độ dài lý tưởng cho một bức thư xin việc thường là trong khoảng 300 - 500 chữ.
Lỗi chính tả và ngữ pháp
Một thư xin việc chứa lỗi chính tả và ngữ pháp không chỉ tạo ấn tượng không tốt mà còn thể hiện sự cẩu thả và thiếu nghiêm túc. Hãy chắc chắn rằng bạn luôn đọc lại và kiểm tra kỹ thư xin việc trước khi gửi nó cho nhà tuyển dụng. Đừng để những lỗi không đáng có về dấu câu, chính tả, đánh máy làm bạn mất điểm.
Thiếu sự tự tin về bản thân
Sinh viên mới ra trường thường có xu hướng tỏ ra thiếu tự tin khi viết thư xin việc vì họ không có nhiều kinh nghiệm việc làm. Hãy nhớ rằng, kinh nghiệm không phải là yếu tố quyết định tất cả. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể tập trung nhấn mạnh vào những điểm mạnh và thành tựu cá nhân, thể hiện trình độ và những kỹ năng có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Những câu chữ thiếu tự tin như “Có thể tôi không phải là ứng viên đáp ứng được yêu cầu công việc tốt nhất…” hay “Tuy tôi không có kinh nghiệm nào trong lĩnh vực này nhưng hãy cho tôi cơ hội để chứng minh…” nên được loại bỏ khỏi thư xin việc cho sinh viên mới ra trường.
Tập trung vào lợi ích của bản thân hơn là khả năng đóng góp cho công ty
Nhiều sinh viên ra trường khi viết thư xin việc thường tập trung quá nhiều vào lợi ích phát triển bản thân mà công việc sẽ mang lại. Điều này không sai. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn tìm kiếm được những ứng viên sẽ đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp của họ. Vì thế, thay vì viết những câu như “Tôi tin rằng đây là công việc phù hợp để bắt đầu sự nghiệp/phát triển bản thân…” hãy thể hiện lý do vì sao bạn lại phù hợp với vị trí công việc và bạn sẽ đem lại giá trị gì cho công ty.
Trình bày nội dung lộn xộn hoặc bố cục không rõ ràng
Một trong những lỗi lớn khiến bạn bị loại ngay từ vòng hồ sơ là đơn xin việc trình bày lộn xộn, không có cấu trúc rõ ràng. Một thư xin việc chỉn chu, chuyên nghiệp cần có đủ cấu trúc 3 phần: Phần đầu tiên là lời chào hỏi và giới thiệu bản thân, phần nội dung chính bao gồm các thông tin về kinh nghiệm, kỹ năng liên quan đến công việc, lý do vì sao bạn phù hợp với công việc và phần kết thể hiện nguyện vọng mong muốn được làm việc với công ty.
Nội dung của mỗi phần trên nên được trình bày thành các đoạn văn riêng biệt để tạo cấu trúc rõ ràng, dễ nhìn cho thư xin việc. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên viết tiêu đề thư rõ ràng và cuối thư cần có lời cảm ơn nhà tuyển dụng, lời chào trân trọng cũng như chữ ký nhé.
Quên đính kèm CV xin việc
Việc gửi thư quên file đính kèm là một lỗi phổ biến, không chỉ đối với sinh viên mới ra trường.
Thư xin việc hay cover letter và CV là bộ tài liệu không thể tách rời khi nộp đơn ứng tuyển bất kỳ vị trí nào. Đối với sinh viên mới ra trường, CV thường ngắn gọn, thiếu ấn tượng vì thiếu kinh việc làm. Mặt khác, bản chất thông tin trong CV là những thông tin tóm tắt ngắn gọn nên sẽ hạn chế “đất diễn” của bạn. Khi đó, thư xin việc sẽ có tác dụng trình bày rõ hơn một số thông tin không được đề cập trong CV hoặc có đề cập nhưng chưa được giải thích rõ ràng.
Vì thế, việc gửi thư xin việc quên đính kèm file CV (hoặc ngược lại) chắc chắn là một sai lầm quan trọng cần tránh. Lời khuyên là bạn hãy đính kèm file trước khi bắt đầu viết thư hoặc hãy kiểm tra lại thư trước khi nhấn gửi nó cho nhà tuyển dụng.
Trên đây là 7 lỗi sai cần tránh khi viết thư xin việc cho sinh viên mới ra trường. Bằng cách tránh nhưng sai lầm này, thư xin việc của bạn sẽ trở nên chuyên nghiệp và dễ tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng hơn, từ đó cơ hội có được việc làm của bạn cũng sẽ cao hơn rất nhiều.
Hà Phương