Vì sao tỉ lệ ly hôn ở miền Nam cao vượt miền Bắc - Trung, một tỉnh hơn 1.600 cặp ly hôn trong 8 tháng (module này đang phát triển)
Bản tin 247
Theo một nghiên cứu khảo sát, tỉ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng ở khu vực phía Nam cao vượt so với miền Bắc và miền Trung, nguyên nhân vì sao?
Theo sự phát triển của xã hội, giá trị về tình yêu, hôn nhân và gia đình đặt các cặp đôi trước quyết định cưới và ly hôn quá mức dễ dàng. Nếu như ngày trước, hầu hết các cặp vợ chồng đều chung sống trọn đời ít có khái niệm ly hôn thì ngày nay, quan niệm cởi mở của xã hội khiến tỉ lệ chia tay trong hôn nhân ngày càng tăng lên.
Thống kê về hôn nhân gia đình năm 2020 cho thấy, tỉ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng đều có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, các tỉnh ở khu vực Nam Bộ là có tỉ lệ ly hôn cao vượt bậc so với các tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung. Đặc biệt, ở Đồng bằng sông Cửu Long có 3% tỉ lệ ly hôn, cao gần gấp đôi so với các vùng còn lại trên cả nước. Tiếp theo đó là Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ và Duyên hải nam Trung bộ.
Sở dĩ tỉ lệ ly hôn ở miền Nam cao hơn hẳn là do sự khác biệt trong phong tục tập quán, đời sống văn hóa xã hội. Theo một phân tích, miền Nam có môi trường văn hóa và kinh tế phát triển nhanh chóng, dẫn đến sự thay đổi trong cách nhìn nhận về hôn nhân và cuộc sống. Mọi người có sự chấp nhận cao hơn về ly hôn khi người ta cảm thấy hôn nhân không còn phù hợp với cuộc sống của họ. Ngược lại, miền Bắc vẫn giữ được nhiều giá trị truyền thống về hôn nhân, có thể dẫn đến sự khó khăn hơn trong việc chấp nhận chia tay trong hôn nhân.
Ngoài ra, phụ nữ ở miền Nam thường có nhiều cơ hội hơn trong học tập và làm việc ngoài xã hội. Điều này dẫn đến sự tăng cường độc lập tài chính và sức khỏe tinh thần, giúp họ tự tin hơn trong việc tự quyết định về hôn nhân và ly hôn. Ngoài những lý do trên, tỉ lệ ly hôn ở miền Nam cao hơn miền Bắc và miền Trung còn là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp khác nhau.
Sau 3 năm, tỉ lệ này ít nhiều cũng có sự thay đổi, đặc biệt là khi trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều biến động trong xã hội. Mới đây, theo ghi nhận của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình, chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh có hơn 1.600 cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn, tòa đã xử lý 1.575 vụ, riêng 93 vụ còn lại đang được tiến hành hòa giải. Phần lớn người ly hôn đều nằm trong độ tuổi từ 25-45 tuổi. Lý do chủ yếu được đưa ra là không hợp tính cách, cảm thấy chán nhau. Tỉ lệ các cặp đôi ly hôn và được hàn gắn trở lại ở độ tuổi trẻ là rất thấp.