Bộ Tài chính không đồng ý giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước vì lý do bất ngờ (module này đang phát triển)
Tin quốc tế
Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về đề xuất Chính phủ tiếp tục cho giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về đề xuất Chính phủ tiếp tục cho giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Giảm 50% phí trước bạ ô tô trong nước: Lo ngại vi phạm quy tắc của WTO
Trước đó, nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội ô tô trong nước đã đề nghị Chính phủ tiếp tục cho giảm 50% phí trước bạ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đã áp dụng từ năm 2021, 2022.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng về vấn đề này và nêu lý do để không tiếp tục giảm phí trước bạ. Theo Bộ Tài chính, khi thực hiện giảm 50% phí trước bạ trong các năm 2021, 2022, chính sách của Chính phủ Việt Nam cũng có tác động hai mặt.
Về hiệu quả, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã được được các mục tiêu đề ra khi ban hành, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.
Việc này góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ô tô, từ đó kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Qua đó, hỗ trợ các nhà sản xuất, phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Bộ Tài chính khẳng định, việc giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe sản xuất, lắp ráp trong nước, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hương đến xuất khẩu…
Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ rõ những mặt hạn chế của chính sách này, trong đó có vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết quốc tế.
Bộ Tài chính cho rằng có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTAs).
Hiện Việt Nam đã tham gia WTO, ký nhiều FTA song và da phương, trong đó cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư. Theo đó, hiện chính sách thuế, lệ phí, phí trong các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữ hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu.
Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước các nước WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp Chính phủ và Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Bộ Tài chính khẳng định, trường hợp cần thực hiện giảm thu lệ phí trước bạ đối với ô tô thì phải thực hiện giải pháp giảm chung cho cả ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu, điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là trong điều kiện đây là khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính dẫn giải, khi xây dựng một số nghị định liên quan, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ tạm thời, nhưng có thể bị coi là phân biệt đối xử về thuế giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu.
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát các cam kết quốc tế, từ đó báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ Tài chính cho biết, khi trình Chính phủ, Bộ chỉ coi đây là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn dưới tác động của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, Bộ này cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước như gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn…
Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị trong bối cảnh hiện nay, chưa đặt vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô, sản xuất, lắp ráp trong nước.
An Linh