Đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trái phép trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà (module này đang phát triển)
Tin quốc tế
Nhằm đáp ứng điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch “Cát Bà xanh”, huyện Cát Hải phấn đấu hoàn thành việc tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản còn lại trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà trước ngày 1/7/2023.
Nhằm đáp ứng điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch “Cát Bà xanh”, huyện Cát Hải phấn đấu hoàn thành việc tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản còn lại trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà trước ngày 1/7/2023.
Nỗ lực về đích đúng hẹn
Vừa qua, UBND thành phố công bố Kế hoạch số 27/KH-UBND triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND thành phố về thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Kế hoạch nhằm triển khai các bước có hiệu quả, đúng lộ trình các nội dung của Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND thành phố về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND thành phố quy định hỗ trợ thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
UBND thành phố yêu cầu các sở ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản theo tinh thần Nghị quyết của HĐND thành phố, tạo sự đồng thuận của các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản và của toàn xã hội.
UBND thành phố cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và huyện Cát Hải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong thực hiện kế hoạch nêu trên.
Đồng thời, việc triển khai hỗ trợ các cơ sở nuôi trồng thủy sản khi tháo dỡ phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân, nhất là cho những người trực tiếp bị ảnh hưởng. Cùng với đó, UBND thành phố yêu cầu hoàn thành việc tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản còn lại trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà trước ngày 1/7/2023.
Ghi nhận từ thực tế trên vịnh mới thấu hiểu hết được những nỗ lực từ chính quyền huyện Cát Hải trong suốt thời gian qua. Hàng trăm ô lồng đã được người dân di dời sau khi nhận tiền hỗ trợ từ phía huyện.
Mặt nước có phần thoáng đãng hơn, không còn cảnh các ô lồng đan xen nhau dày đặc như trước. Không khí ở vịnh cũng trong lành hơn, không còn mùi tanh, hôi khó chịu.
Nhằm giúp quá trình tháo dỡ diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ, Phòng Nông nghiệp&PTNT đã phối hợp Ban Quản lý vịnh, các đầu mối bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời các vật tư, thiết bị cần thiết để các chủ cơ sở hoàn toàn chủ động thi công không bị gián đoạn. Tính đến ngày 1/1/2023, trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà còn 41 cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa tháo dỡ.
Trong đó khu vực Bến Bèo, thị trấn Cát Bà 27 cơ sở; vịnh Lan Hạ, xã Việt Hải 14 cơ sở (12 cơ sở đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết và 2 cơ sở không đủ điều kiện hỗ trợ).
Để có được kết quả trên, chính quyền huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu sự cần thiết của việc tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, kinh doanh trái phép trên vịnh và nắm bắt thông tin về các chính sách hỗ trợ của thành phố.
Tính đến ngày 31/12/2022, đã có 402/435 cơ sở đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, trong đó, 390 cơ sở được chi trả hỗ trợ tháo dỡ hoàn toàn, 6 cơ sở chi trả hỗ trợ tháo dỡ từng phần và 6 cơ sở đã tự tháo dỡ không nhận hỗ trợ.
Tổng kinh phí hỗ trợ đạt gần 58 tỷ đồng được phân bổ theo các hạng mục như sau: chi trả hỗ trợ tháo dỡ 486/516 nhà chòi; chi trả hỗ trợ tháo dỡ 7.344/8216 ô lồng; chi trả hỗ trợ tháo dỡ 51.481/58.790m² giàn nhuyễn thể; chi trả hỗ trợ ổn định đời sống cho 849 nhân khẩu; hỗ trợ tiêu thụ gần 3.000 tấn sản phẩm; tổ chức di chuyển an toàn 16 cơ sở nuôi trồng thủy sản và 13 nhà hàng nổi ra khỏi khu vực trung tâm của vịnh.
Chính sách hỗ trợ thoả đáng
Ông Nguyễn Việt Anh, chủ một hộ nuôi cá cho biết “Từ khi thành phố có đề án hỗ trợ tháo dỡ lồng bè, trả lại cảnh quan cho các vịnh và đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế du lịch, chúng tôi rất ủng hộ. Gia đình đã nhận được hỗ trợ chi phí để thực hiện đóng mới bè tại vị trí quy hoạch của UBND thành phố.
Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của bà con là việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Chúng tôi mong muốn người dân và du khách, các tổ chức, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ thu mua, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản để bà con sớm thực hiện tháo dỡ lồng bè đúng như chủ trương của thành phố”.
Thực tế, có nhiều hộ nuôi cá từ 2-5 năm, trọng lượng có con lên tới cả chục cân. Trong khi đó dịch bệnh kéo dài khiến cho sản phẩm thủy sản khó có thể xuất khẩu, lượng khách du lịch đạt thấp do người dân e ngại dịch bệnh cũng khiến lượng sản phẩm thủy sản khó tiêu thụ. Dư luận đồng tình với việc giải tỏa lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh là cần thiết.
Tuy nhiên, việc bảo đảm đời sống cũng như công ăn việc làm cho người lao động cũng cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Để hỗ trợ người dân, thuận lợi cho công tác tháo dỡ, cũng như tiêu thụ sản phẩm, UBND huyện Cát Hải đã có văn bản kêu gọi các đơn vị ban ngành, địa phương quan tâm, vận động tổ chức, cá nhân, người dân… tham gia “giải cứu hải sản“.
Huyện Cát Hải phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế, Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố, tập trung đưa các sản phẩm thủy sản cung cấp bếp ăn cho công nhân ở các công ty lớn trong KCN.
Trong đó, Công ty Điện lực Hải Phòng giúp đỡ tiêu thụ được hơn 5 tấn cá, một số doanh nghiệp thuộc Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng ký kết hỗ trợ 650 tấn. Ngoài ra, huyện cũng huy động các khách sạn, nhà hàng lớn tại trung tâm du lịch Cát Bà hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt khi mùa du lịch biển mùa hè sắp tới.
Đồng thời, tìm phương án chế biến các sản phẩm nuôi trồng thủy sản, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm thông qua cung cấp đến khách du lịch khi tới Cát Bà. Từ dịp tết Nguyên đán Quý Mão cho đến nay lượng sản phẩm tiêu thụ đạt khoảng trên 64 tấn. Tổng lượng sản phẩm tiêu thụ từ khi thực hiện công tác tháo dỡ lồng bè là khoảng 3.000 tấn.
Hiện huyện đang phối hợp với các cơ quan ban ngành nghiên cứu, quy hoạch lại vị trí, cách thức nuôi trồng mới làm sao bảo đảm môi trường, đồng thời tạo cảnh quan phục vụ hoạt động du lịch. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã liên hệ Sở Nông nghiệp bố trí lịch khảo sát khu vực bổ sung vị trí neo đậu mới để có báo cáo xin ý kiến các Sở, ngành và báo cáo lãnh đạo thành phố.
Về tiến độ triển khai đóng bè mới, UBND thị trấn Cát Bà, xã Việt Hải, xã Gia Luận phối hợp Ban Quản lý vịnh Cát Bà và các đơn vị, tổ chức liên quan tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giám sát các chủ cơ sở đẩy nhanh tiến độ đóng mới và hoàn thiện cơ sở nuôi trồng thuỷ sản bảo đảm đúng thời gian.
Cùng với đó, các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và khuyến khích các chủ cơ sở thuộc đối tượng được hưởng cơ chế hỗ trợ có hộ khẩu trên địa bàn huyện có nguyện vọng được tiếp tục nuôi trồng thủy sản đóng bè mới theo phương án sử dụng vật liệu an toàn với môi trường.
Việc tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, cấp bách nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại, bất cập, xung đột giữa phát triển nuôi trồng thủy sản với công tác bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị của Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà-Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, đây cũng là bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường vịnh.
Lan Phương