Hải Phòng mở rộng ngoại giao, kích cầu đầu tư (module này đang phát triển)
Tin quốc tế
Chỉ trong tháng 3 và những ngày đầu tháng 4 này, đã có 5 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Hải Phòng.
Chỉ trong tháng 3 và những ngày đầu tháng 4 này, đã có 5 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Hải Phòng.
Đây là minh chứng cho một thành phố luôn sẵn sàng mở rộng ngoại giao, quan hệ với nhiều đối tác, từng bước đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Mở rộng ngoại giao
Tại buổi tiếp và làm việc với đoàn Đại sứ quán Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân nhấn mạnh, trên cơ sở những thông tin tìm hiểu được về Hải Phòng, Ngài Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và cộng sự sẽ thúc đẩy kết nối, giới thiệu các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa Kỳ có tiềm lực mạnh đầu tư vào Hải Phòng. Thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển tại địa phương.
Ngài Marc E.Knapper đã nêu rõ mục đích chuyến thăm lần này là để hiểu rõ hơn về thành phố Hải Phòng và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Được biết, Hải Phòng đứng tốp đầu trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vì vậy Ngài Đại sứ mong muốn tìm hiểu cách làm của thành phố để đạt được kết quả đó, cũng như mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư hơn nữa để các nhà đầu tư Hoa Kỳ biết đến sự hấp dẫn của thành phố này.
Với đoàn công tác Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, các dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của thành phố. Hải Phòng luôn là bạn, là người đồng hành với các nhà đầu tư Hàn Quốc, coi các công việc của doanh nghiệp Hàn Quốc là công việc của chính mình; thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc là thành công của Hải Phòng.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam Oh Young-ju cho rằng, giữa Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ hợp tác, sâu sắc, gắn bó lâu đời, đạt nhiều hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Với Hải Phòng và Hàn Quốc không đơn thuần về kinh tế mà còn hợp tác, quan hệ rất toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội; là tình cảm gắn bó thân thiết, là niềm tin giữa nhân dân hai nước. Hải Phòng hiện là một trọng điểm đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc với nhiều thành công, nổi bật là các dự án của Tập đoàn LG.
Chào đón đoàn Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam do Ngài Jaya Ratnam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Singapore tại Việt Nam làm Trưởng Đoàn, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho rằng, Singapore luôn là nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tại thành phố Hải Phòng hiện có 858 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực 24,8 tỷ USD; trong đó có 52 dự án đầu tư đến từ các nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư hơn 2,6 tỷ USD.
Đặc biệt, Khu Công nghiệp VSIP tại huyện Thuỷ Nguyên đã trở thành biểu tượng hợp tác từ năm 2010 và ngày càng chứng minh được tính hiệu quả hoạt động của Khu công nghiệp này. Tiềm năng của Hải Phòng còn nhiều và cũng phù hợp với các thế mạnh của Singapore như: Quản lý đô thị và năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh, chuyển đổi số.
Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu mong muốn Ngài Jaya Ratnam sẽ là cầu nối giữa Hải Phòng với các địa phương, doanh nghiệp của Singapore có kinh nghiệm trong những lĩnh vực lợi thế vượt trội của thành phố.
Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng hiện đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, châu Âu… Tiêu biểu phải kể đến tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư vào Khu công nghiệp này: Tập đoàn Nipro Pharma với dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm và các thiết bị y tế với mức đầu tư 250 triệu USD; Công ty Fuji Xerox đầu tư triệu USD để sản xuất, kinh doanh thiết bị đa chức năng và máy in…
Kích cầu đầu tư
Tại Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký, nêu rõ: Tầm nhìn đến năm 2045-2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Trong đó, về định hướng phát triển hạ tầng đô thị thông minh, Hải Phòng sẽ xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng thông tin băng thông rộng, tạo nền tảng cốt lõi phát triển đô thị thông minh. Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh tại các đô thị mới; trung tâm ứng dụng chương trình kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu Bigdata khu vực Đông Nam Á ở Dương Kinh. Đề xuất xây dựng mới khu vực công nghiệp công nghệ thông tin (công nghiệp ICT) ở Nam Đình Vũ, Kiến Thụy, Tiên Lãng.
Theo Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, Hải Phòng đã xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, theo đó, với phương châm “Chủ động-Quyết liệt-Linh hoạt-Sáng tạo” Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế, cùng với đó là sự tin tưởng, ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp… Kết quả mang lại từ cách làm khác biệt này, đó là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ; tốc độ thu hút đầu tư bứt phá, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 1 Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải (diện tích 22.540ha) và 25 khu công nghiệp được quy hoạch (tổng diện tích 12.702ha); hiện đã có 14 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng với tổng diện tích 6.131,36ha (9 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và 5 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế); tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 65% (nếu không tính phần diện tích các khu công nghiệp đang triển khai, chưa thu hút đầu tư tỷ lệ lấp đầy đạt tỷ lệ 94%); suất đầu tư trung bình đạt 11 triệu USD/ha, đặc biệt tại Khu công nghiệp Tràng Duệ là 24 triệu USD/ha; có 2 khu công nghiệp sinh thái đang được chuyển đổi và nỗ lực xây dựng thành khu công nghiệp sinh thái toàn diện, hiệu quả, bền vững.
Các khu công nghiệp được mở rộng, Hải Phòng đã thu hút rất lớn nguồn nhân lực đến làm việc. Đến năm 2023, số lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tăng 23,1% so với năm 2020 (157.956 lao động), tạo việc làm cho 194.485 người (trong đó tạo việc làm mới cho gần 40.000 người làm việc tại 40 doanh nghiệp, dự án mới trong 2 năm); mức thu nhập bình quân tăng cao, đạt 11,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2020 (10,5 triệu đồng/người/tháng); 100% người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, thành phố Hải Phòng tiếp tục đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến ngày 22/3/2023, Hải Phòng thu hút 385,08 triệu USD vốn FDI (bao gồm cấp mới và điều chỉnh tăng vốn), bằng 78,89% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 17,91% kế hoạch năm.
Ông Lê Trung Kiên chia sẻ, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đang tập trung nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư, hiệu quả đầu tư, chủ động xúc tiến và thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng phát triển ba trụ cột nền kinh tế đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại; chú trọng xúc tiến đầu tư với các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho thành phố, trong đó, thu hút vốn FDI theo bốn định hướng lớn là chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng cao. Cùng với đó là phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, có tính liên kết theo chuỗi sản xuất, chuỗi hỗ trợ cung ứng.
Đoàn Minh Huệ (TTXVN)