Thị trường trái cây nhập khẩu: Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua (module này đang phát triển)
Tin quốc tế
Hiện nay, các loại trái cây nhập khẩu không chỉ được bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu mà còn được bày bán tại các khu chợ dân sinh và cả trên mạng xã hội với những lời giới thiệu, chào bán hấp dẫn. Tuy nhiên, sự chênh lệch về chất lượng, giá cả và sự minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng này vẫn đang là vấn đề “nóng”, đòi hỏi người tiêu dùng phải thật sự cẩn trọng để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Hiện nay, các loại trái cây nhập khẩu không chỉ được bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu mà còn được bày bán tại các khu chợ dân sinh và cả trên mạng xã hội với những lời giới thiệu, chào bán hấp dẫn. Tuy nhiên, sự chênh lệch về chất lượng, giá cả và sự minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng này vẫn đang là vấn đề “nóng”, đòi hỏi người tiêu dùng phải thật sự cẩn trọng để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Dạo quanh một vòng các khu chợ trên địa bàn thành phố, không khó để bắt gặp hoa quả nhập khẩu được chất đầy trên các sạp hàng với các loại như táo, lê, nho, cam… với đầy đủ mẫu mã, tem mác, giá cả, thậm chí có loại không có bất cứ tem mác, thông tin nào về sản phẩm. Khi được hỏi, các tiểu thương đều khẳng định là hàng chuẩn, hàng xịn với cam kết quả ngon, ngọt, không ngon mang ra trả lại…
Chị Nguyễn Hải Yến (An Đồng, An Dương) cho biết, thường ngày gia đình chị rất thích ăn hoa quả, nhất là các loại hoa quả được nhập từ nước ngoài như cam, táo nên chị hay ra siêu thị để mua. Nhưng có lần bận việc, chị ghé tạm vào sạp hàng bán hoa quả trong chợ, ở đây có bán táo Envy với mẫu mã đẹp, giá lại rẻ hơn. Thấy chị phân vân, chủ hàng cam kết 100% hàng ngoại nhập khẩu, đảm bảo chất lượng nên chị đã mua. Khi ăn, táo có vị chua, lại bở chứ không thơm, giòn. Rút kinh nghiệm, kể từ lần đó chị từ bỏ luôn ý định mua hoa quả không rõ nguồn gốc.
Không chỉ xuất hiện tại các chợ, mặt hàng hoa quả nhập khẩu như cam vàng, quýt, cherry, lê, nho đen, nho sữa,… còn được rao bán, quảng cáo online trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook… với các xuất xứ được giới thiệu dễ làm người tiêu dùng bị “mê hoặc” như Úc, Mỹ, Chile, New Zealand, Hàn quốc…
Người bán hàng quảng cáo rầm rộ, cam đoan hàng “xịn”, bán giá thật “mềm” để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, còn chất lượng sản phẩm luôn là một câu hỏi lớn bị bỏ ngỏ.
Theo ông Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch Hội Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Hải Phòng, với tâm lý cho rằng hoa quả nhập ngoại là an toàn, không ít người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền để mua về sử dụng.
Tuy nhiên, thực tế thị trường trái cây nhập khẩu vẫn còn nhiều bất cập, người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” bởi tình trạng hoa quả nhập khẩu được bày bán tràn lan, nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt được thật, giả nếu chỉ qua quan sát thông thường.
Để tránh mua phải trái cây kém chất lượng, Chủ tịch Hội Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn các trung tâm thương mại, siêu thị có uy tín như MM Mega Market, Go! Hải Phòng, Aeon Mall, Co.op Mart,… và các cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh hoa quả nhập khẩu để đảm bảo về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm; cần kiểm tra kỹ khi lựa chọn sản phẩm, tự trang bị thêm cách thức kiểm tra nhanh về hạn sử dụng, chất lượng hoa quả.
Trường hợp giao dịch trực tuyến, người tiêu dùng nên mua hàng ở những địa chỉ đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng, nguồn gốc hoa quả nhập khẩu tại các cửa hàng, chợ trên địa bàn,…
LIÊM ĐOÀN