Ngành học có tỉ lệ việc làm trên 90%, mức lương lên tới 35 triệu đồng/tháng (module này đang phát triển)
Thời Sự
( PHUNUTODAY ) - Sự hội nhập khiến cho ngành học này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Sinh viên ra trường có cơ hội việc làm cao với mức lương mà nhiều người mơ ước.
Kinh doanh quốc tế bao gồm toàn bộ các hoạt động giao dịch, kinh doanh được thực hiện giữa quốc gia với quốc gia với mục đích thỏa mãn các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức kinh tế.
Không chỉ vậy, kinh doanh quốc tế còn là một bộ môn khoa học, một chuyên ngành thuộc khối nhóm kinh doanh, đào tạo các nghiệp vụ thực hiện các hoạt động kinh doanh bên ngoài phạm vi của quốc gia như các vấn đề tổng quan và chuyên sâu về thương mại quốc tế, các chính sách kinh tế đối ngoại, cách thức xâm nhập vào thị trường nước ngoài, các đặc điểm phát triển kinh tế thế giới trong xu thế toàn cầu hòa, các vấn đề về hội nhập kinh tế, đầu tư quốc tế,…
Ngành Kinh doanh Quốc tế học gì?
Chuyên ngành học Kinh doanh Quốc tế có trọng tâm là đào tạo các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các vị trí công việc trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế. Vậy nên sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức nền tảng và chuyên sâu qua chương trình học tổng quan về kinh tế quốc tế; toàn cảnh về kinh doanh và quản trị kinh doanh toàn cầu; xu hướng phát triển kinh tế thế giới; đầu tư quốc tế; tài chính quốc tế, vận tải và bảo hiểm quốc tế; hội nhập kinh tế; quản trị xuất nhập khẩu,…
Không chỉ học tập kiến thức chuyên ngành, sinh viên ngành kinh doanh quốc tế còn được trau dồi khả năng tiếng Anh, các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ thuật thương lượng, đạo đức nghề nghiệp… để tự nhiên phát triển con đường sự nghiệp kinh doanh quốc tế trong tương lai.
Học Kinh doanh Quốc tế xong làm gì, mức lương bao nhiêu?
Cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh Quốc tế rất đa dạng. Chẳng hạn như Chuyên viên xuất nhập khẩu; nhân viên kinh doanh tại các công ty đa quốc gia, công ty giao nhận ngoại thương, công ty kinh doanh xuất nhập khẩu, các ngân hàng trong và ngoài nước, các công ty kinh doanh ngoại tệ.
Bên cạnh đó, sinh viên ra trường cũng có thể đảm nhiệm các vị trí như Chuyên viên tổng hợp, báo cáo, phân tích dữ liệu, số liệu xuất nhập khẩu, chuyên viên thực hiện các gói dự án điều tra, giám sát, tổng hợp dữ liệu làm cơ sở lập quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chết xuất, các loại hình kinh doanh quốc tế, chuyên gia phụ trách dự án, phụ trách nhãn hàng của dự án quốc tế, các dự án trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp, các văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của các công ty Việt Nam ở nước ngoài hoặc trong các khu công nghiệp, khu chết xuất, khu công nghệ cao, các văn phòng Bộ/Sở Công thương, Bộ/Sở Kế hoạch và Đầu tư,…
Không chỉ vậy sinh viên ra trường còn có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng hoặc tự thành lập doanh nghiệp.
Khảo sát cho thấy, Kinh doanh Quốc tế là nhóm ngành có mức lương khởi điểm cao. Đối với sinh viên mới ra trường, khi đã trở thành nhân viên chính thức, mức lương sẽ dao động từ 8.000.000 – 10.000.000 VNĐ/tháng hoặc hơn tùy theo năng lực. Người đã có kinh nghiệm mức lương dao động 15.000.000 – 20.000.000 VNĐ/tháng. Các vị trí cao hơn như quản lý, trưởng phòng trên 5 năm kinh nghiệm, mức lương có thể đạt 25.000.000 – 35.000.000 VNĐ/tháng. Vị trí giám đốc kinh doanh quốc tế thậm chí có mức thu nhập không giới hạn.
Top các trường đào tạo ngành Kinh doanh Quốc tế tốt nhất ở Việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay có nhiều trường đại học đào tạo ngành Kinh doanh Quốc tế. Khu vực phía Bắc có các trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học RMIT Hà Hội, Đại học BUV, Đại học VinUni, Học viện Chính sách và Phát triển, Học viện Ngoại giao Việt Nam, Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại.
Khu vực phía Nam có các trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Đại học RMIT chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Hutech.
Thường thì tổ hợp xét tuyến của ngành này là D01 (Toán, Văn, Anh), D03 (Toán, Văn, Pháp), D07 (Toán, Hóa, Anh), A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh).
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh Quốc tế trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp khá cao. Chẳng hạn trường Học viện Ngân hàng là 91,63%, trường Đại học Ngoại thương là 99,29%.