Chủ tịch ACB: Từ tình yêu thiên nhiên đến hành trình truyền cảm hứng về ESG (module này đang phát triển)
Gia đình
Hành trình ESG của ACB đã bắt đầu từ 10 năm trước. Thế nhưng, sau chừng đó thời gian, cho đến nay ACB mới chính thức tuyên bố đưa ra định hướng phát triển bền vững theo tiêu chí. Nhân dịp sinh nhật 30 năm với thông điệp “Tiếp nối giá trị cho mai sau”, ngân hàng này khiêm tốn thừa nhận 10 năm qua cũng chỉ là những bước đi đầu tiên. ACB biết rằng hành trình ESG cần quyết tâm và sự đầu tư dài hơi chứ không thể đòi hỏi hiệu quả trong một vài năm.
Sau sự kiện gây bùng nổ mạng xã hội, Chủ tịch ACB đem một góc nhìn mới về cá nhân anh qua đoạn clip và những hình ảnh tuyệt đẹp về những trải nghiệm khám phá thiên nhiên với mong muốn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường.
Đó không phải là bài hát hay điệu nhảy, cũng không liên quan tiệc mừng sinh nhật mà là những khoảnh khắc anh hoà mình vào thiên nhiên: khám phá hang Sơn Đoòng, đạp xe xuyên rừng, lướt sóng, lặn dưới biển và lắng nghe rừng thở…
Anh viết trên trang cá nhân: "Sinh nhật, mỗi người có thể khác nhau. Nơi sinh cũng mỗi người mỗi chỗ. Nhưng Trái đất là nơi gắn kết nguồn cội nhất. Hãy kết nối, ôm ấp lấy thiên nhiên và trở thành một phần tích cực trong đó. Đừng vô tội vạ vay mượn bằng hết tài nguyên được ban tặng rồi lại còn xả thêm rác vào nơi sinh và dưỡng nuôi mình".
Năm 1995, Trần Hùng Huy là một trong những du học sinh Việt Nam đầu tiên tới Mỹ khi đất nước vừa mở cửa.
Trở về Việt Nam, do điều kiện về môi trường và công việc bận rộn tại ACB, Trần Hùng Huy ít có cơ hội trải nghiệm những thú vui khám phá thiên nhiên như hồi còn đi học. Thế nhưng, niềm đam mê khám phá thiên nhiên đã ăn vào máu của banker này và vẫn cháy âm ỉ bên trong.
Sau 8 năm cực kỳ bận rộn với vị trí Chủ tịch HĐQT ACB, năm 2020 anh được nhóm bạn rủ đi trải nghiệm Sơn Đoòng. Với hầu hết người bình thường, hành trình thám hiểm hang động tự nhiên lớn nhất thế giới không hề nhẹ nhàng hay dễ dàng. Tuy nhiên, không giống như hình dung ban đầu về một chuyến đi vất vả, khó khăn, Trần Hùng Huy tận hưởng chuyến thám hiểm Sơn Đoòng rất thư giãn và nhẹ nhàng, mà như anh nói vui với bạn "chưa xài đến nửa sức".
"Cuối cùng mình nghiệm ra, dễ do đã chuẩn bị, tập luyện thể lực là một phần, nhưng phần quan trọng khác đến từ cảnh quan của Sơn Đoòng. Mình và anh em cứ đi khoảng 10-15 phút thì dừng lại để ngắm cảnh, và bị mê hoặc bởi thiên nhiên như tiếng chim hót, nước chảy róc rách, giống như lạc vào tiên cảnh, làm quên hết mệt mỏi. Huy nghĩ hành trình khó cuối cùng trở thành không khó là vì thế".
Thế nhưng, anh cũng tự đặt cho mình những câu hỏi không dễ trả lời: "Làm thế nào để có thể bảo tồn được nhiều cảnh đẹp hoang sơ như Sơn Đoòng và những vẻ đẹp như tiên cảnh này sẽ ra sao nếu chúng ta không gìn giữ?".
Là Chủ tịch HĐQT ACB, Trần Hùng Huy là người trực tiếp dẫn dắt và định hướng ACB là nhà băng đi tiên phong về định hướng ESG (Environmental – Social – Governance). Thế nhưng, không nhiều người biết rằng, ngay cả ý thức bảo vệ môi trường cũng bắt nguồn từ những đặc điểm rất riêng của Trần Hùng Huy từ khi còn đi học.
Thay đổi nhiều môi trường sống và trải nghiệm đa văn hoá khiến anh nhận ra thực tế cảnh quan thiên nhiên đã biến chuyển rõ rệt chỉ sau một thời gian ngắn. Phát triển kinh tế đã đánh đổi về cảnh quan môi trường. "Với thiên nhiên, thường người ta mất vài thế hệ mới thấy thay đổi nhưng bây giờ 10 năm đã thấy sự khác biệt rõ ràng" – anh Huy nói.
Chứng kiến sự thay đổi đó, Trần Hùng Huy khi ấy đã ý thức về việc phải bảo vệ môi trường và bắt đầu từ bản thân mình. Một trong những hành động thiết thực đầu tiên được anh thực hiện là hạn chế sử dụng nhựa một lần.
Là dân "ghiền" cà phê, chiếc ly inox từ lâu đã trở thành vật bất ly thân của anh, giống như đi ra đường có thể quên ví chứ không thể quên mang theo điện thoại. Khi đi quán uống cà phê, anh sẽ "nhịn" nếu lỡ quên mang theo ly của mình mà ở đó họ chỉ dùng ly nhựa… Thói quen "nói không với đồ nhựa dùng 1 lần" được Trần Hùng Huy lan tỏa tới người thân, gia đình, rồi đến bạn bè, đồng nghiệp xung quanh.
Bắt đầu đảm nhận nhiều vị trí lớn nhỏ tại ACB, anh nghĩ rằng mình cũng cần phải dùng sức ảnh hưởng này để lan toả thông điệp bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn tới những người xung quanh. Anh cũng thấy may mắn vì khi phát động các chiến dịch đều được sự đồng hành và ủng hộ của người ACB. Kết quả khảo sát nội bộ ACB cũng ghi nhận 93% nhân viên sẵn sàng cam kết thực hiện ESG cùng ngân hàng. Chia sẻ về các chiến dịch xanh ở ACB, Trần Hùng Huy cho biết: "Huy không có ý định trở thành một nhà hoạt động xã hội vĩ đại hay nghĩ đến chuyện thay đổi thế giới về vấn đề môi trường (cười)".
Hiểu đơn giản, thông điệp mà anh muốn truyền tải là làm việc tốt không phải lúc nào cũng xuất phát từ những lý do "đao to búa lớn", đôi khi chúng ta làm đơn thuần vì cuộc sống của chính cá nhân.
Trần Hùng Huy nói thêm, anh yêu thích tận hưởng cuộc sống với thiên nhiên và "muốn đi chơi ở nơi có biển sạch, vào rừng muốn được nghe chim hót, ngắm cảnh chứ không muốn chỉ nhìn thấy rác". Cũng vì thế, anh cũng mong muốn gia đình, bạn bè mình cùng được trải nghiệm những điều tương tự. Chủ tịch ACB chia sẻ: "Đi xa hơn, mình mong muốn có thể nhân rộng điều đó trong gia đình ACB, rồi ra bên ngoài với khách hàng, cộng đồng để nhiều người có thể cùng tận hưởng một môi trường xanh, sạch và không rác thải".
Giải thưởng "Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2023 - Best companies to work for in Asia"
Không tách biệt khỏi các hoạt động kinh doanh của ACB, Trần Hùng Huy cũng đặt phát triển bền vững song hành cùng với chiến lược kinh doanh. Mọi hoạt động của ngân hàng đều hướng đến việc cân bằng hợp lý giữa kết quả ngắn hạn với phát triển bền vững dài hạn, giữa tăng trưởng doanh thu với việc tạo giá trị cho các bên liên quan, phát triển toàn diện trên cả 3 tiêu chí E,S và G.
Tại ACB, từ những ngày đầu thành lập, 2 yếu tố Quản trị (Governance) và Xã hội (Social) đã được triển khai. Nếu như yếu tố G là đương nhiên và bắt buộc cho các doanh nghiệp thì S lại bao hàm nhiều hơn, không chỉ đơn thuần là các chương trình an sinh xã hội. Phát triển con người, xây dựng văn hoá doanh nghiệp lành mạnh là hai nội dung trọng yếu mà ACB đang thiết lập cho yếu tố xã hội.
Trần Hùng Huy chia sẻ: "ACB ghi nhận 48% cấp quản lý là nữ, một con số khá cao so với các doanh nghiệp truyền thống ở Việt Nam. Tuy nhiên không có khái niệm phân biệt nam nữ khi đánh giá cấp quản lý, hoàn toàn dựa trên năng lực cá nhân". Môi trường làm việc của ACB đề cao yếu tố con người, bình đẳng và hài hòa. Ngày 3.8.2023 vừa qua, ACB cũng được vinh danh là "Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2023 - Best companies to work for in Asia" và đây là giải thưởng ACB nhận được trong 5 năm liên tiếp.
Riêng với khía cạnh môi trường đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc trong trong thời gian dài. Chương trình Gần Lại O do Trần Hùng Huy trực tiếp phát động đã được triển khai từ 10 năm trước. Chương trình được biết đến như là một "case study" khi ACB tận dụng sức mạnh nội bộ biến tinh thần bảo vệ môi trường thành một nét văn hoá và lan toả đến khách hàng và cộng đồng địa phương.
Thế nhưng, phải sau chừng đó thời gian, người đứng đầu ACB mới dám phát biểu và đưa ra định hướng về ESG cho ngân hàng bởi khó nhất là thay đổi hành vi của mọi người trong vấn đề bảo vệ môi trường.
"Mình đã tốn 10 năm để có thể tự tin là nội tại ACB, người ACB đã thấm chất E (bảo vệ môi trường) và thay đổi được hành vi. Người ACB cũng suy nghĩ ích kỷ như mình, họ làm vì bản thân họ trước đã, làm tốt rồi mới tự tin để lan toả tới khách hàng, thuyết phục họ làm theo chuẩn ESG của ACB", vị chủ tịch "xanh" nói.
Tuy nhiên, Huy cũng thừa nhận, ngay cả cá nhân anh cũng không dễ thay đổi hành vi tiêu dùng với những vật dụng vốn rất thuận lợi cho sử dụng như ly nhựa dùng 1 lần. Khi phát động không dùng đồ nhựa 1 lần tại ACB, cá nhân anh cố gắng thực hiện nghiêm việc chuyển qua dùng ly inox để uống cà phê nhưng rất khó đảm bảo 100%. "Cũng có lần bất đắc dĩ phải sử dụng ly nhựa để uống cà phê", Chủ tịch ACB thừa nhận.
Vị chủ tịch "xanh" cho rằng, ngay cả người phát động chiến dịch bảo vệ môi trường "vẫn còn phạm sai lầm", thì việc kêu gọi người khác thay đổi hành vi, tạo thói quen mới, rõ ràng không dễ và cần thời gian. "Để thực sự bền vững, không thể dựa vào vị trí của mình để áp đặt người khác rằng không được sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần, mà phải giúp họ thực sự cảm nhận được lợi ích của việc đó. Họ phải thay đổi hành vi, hình thành thói quen mới vì chính bản thân, gia đình mình trước", anh khẳng định.
Cuối tháng 7 vừa qua, ACB chính thức triển khai chương trình thu gom 300 tấn rác nhựa cho giai đoạn 2023-2025. 300 tấn rác nhựa tương đương 0,1% lượng chất thải nhựa được thải ra ở Việt Nam mỗi năm. Bước khởi đầu tuy khiêm tốn nhưng thể hiện cam kết và quyết tâm hành động của ngân hàng trong hành trình phát triển bền vững. Với sự đồng lòng của 410 đơn vị phòng ban, kênh phân phối cùng hơn 13.000 nhân viên trên toàn hệ thống, ACB kỳ vọng thời gian tới có thể lan toả tới nhiều khách hàng và đối tác của mình cùng trực tiếp tham gia các hoạt động ý nghĩa này.
Đặt ra mục tiêu 45 tấn rác nhựa cho năm 2023, vị chủ tịch này chia sẻ với nhân viên: "Đừng làm vì ACB. Nếu để ACB làm thì ngân hàng có thể bỏ tiền ra thuê các đơn vị họ làm nhanh, dọn chuyên nghiệp hơn nhiều. Hãy làm trước tiên vì bản thân và gia đình, sau mới nghĩ tới cộng đồng!".
Như lời kết trong video post lên trang cá nhân của vị chủ tịch ngân hàng vào đúng dịp sinh nhật của anh: "Có lẽ phải cần 10 năm, 20 năm, 30 năm cho một hành trình phát triển bền vững, nhưng đó sẽ là một di sản ý nghĩa chúng ta để dành cho mai sau".