Không gian mạng - Nơi không ít học sinh hành xử thiếu chuẩn mực, phát ngôn thiếu kiềm chế (module này đang phát triển)
Phim ảnh
Góc nhìn văn hóa phát sóng ngày 6/9 đã bàn luận về chủ đề "Để giới trẻ ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội".
Năm học mới đã bắt đầu, mối quan tâm chung của nhà trường và gia đình thời điểm này là làm thế nào để làm tốt hơn nữa việc giáo dục tri thức và đạo đức cho con em mình. Đặc biệt, việc giáo dục đạo đức, lối sống ngày càng được chú trọng bởi sự phát triển của xã hội đang đặt ra nhiều thách thức trong việc giáo dục các công dân số tương lai, nhất là trên không gian mạng.
Thời gian qua, theo khảo sát của Microsolf, Việt Nam nằm trong số những nước có chỉ số văn minh thấp trên mạng xã hội. Ngày càng có nhiều hơn những ứng xử thiếu văn hóa của học sinh, sinh viên trên không gian mạng, như phát ngôn thiếu chuẩn mực, bạo lực ngôn từ, chia sẻ thông tin xấu độc. Đáng báo động là nạn tấn công, bắt nạt trên mạng xã hội chưa có dấu hiệu lắng xuống. Hành vi khởi sự của hiện tượng này có thể chỉ từ những công kích, nói xấu trên mạng. Gần đây, sự xuất hiện của những diễn đàn tâm sự ẩn danh đã trở thành không gian để nhiều học sinh, sinh viên công kích lẫn nhau.
Thời gian qua, nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra với điểm chung là học sinh mâu thuẫn, hiềm khích nhau, sau đó lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, kích động đánh nhau để giải quyết. Từ đốm lửa nhỏ, sau khi tương tác qua lại trên mạng xã hội, đã thổi bùng nhiều sự việc đau lòng, trong đó người trả giá lại chính là các bạn trẻ.
"Cách thức chúng ta ứng xử trên không gian mạng do không nhìn thấy phản ứng của người khác nên nhiều lúc thiếu sự thấu cảm, hành vi trở nên lạnh lùng và tàn nhẫn hơn. Cần trang bị cho mọi người cách thức hành xử văn hóa để tạo ra không gian mạng an toàn, từ đó làm cho cuộc sống thực tế của chúng ta trở nên văn minh, văn hóa hơn", PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Nếu vi phạm pháp luật, học sinh sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, sự can thiệp của cơ quan chức năng thường có độ trễ về thời gian và thường xảy ra khi sự đã rồi. Các biện pháp xử lý với đối tượng học sinh ở lứa tuổi chưa trưởng thành dù có tính răn đe nhưng cũng chỉ là tình huống cực chẳng đã, cần nhìn nhận gốc rễ của vấn đề là nền tảng giáo dục, trong đó quan trọng là giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Trong năm học mới này, nhiều địa phương và trường học đã xác định giáo dục học sinh ứng xử trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm. Trang bị kỹ năng cho học sinh sử dụng mạng an toàn, văn minh cũng là cách chuẩn bị tâm thế cho các em trở thành công dân số, sẵn sàng bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.
Cùng với nhà trường, cha mẹ cần gần gũi, chủ động hướng dẫn con cái các nguyên tắc đạo đức trong ứng xử từ đời thực đến mạng xã hội. Đồng thời, cơ quan chức năng cần đặt vấn đề nghiêm túc vào sâu sát về việc xây dựng văn hóa học đường trên không gian mạng. Bởi trong tương lai, việc có một môi trường xã hội trong sạch và lạnh mạnh, dù ngoài đời thực hay trên mạng Internet, đều phụ thuộc vào các bạn trẻ. Còn với các bạn trẻ, trước mỗi dòng chia sẻ hay bình luận, bài viết cần thực sự cân nhắc.