Thiệt hơn khi người dân vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác? (module này đang phát triển)
Tin tài chính
Với vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, người dân có thể được hưởng lãi suất thấp hơn nhưng sẽ đối diện với nhiều chi phí để thực hiện dịch vụ này.
Tạo mặt bằng lãi suất cạnh tranh hơn
Người dân có thể vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Đây là thông tin được rất nhiều người quan tâm những ngày gần đây, khi Thông tư 06 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 9.
Theo đó, trước đây, nếu muốn chuyển khoản vay từ ngân hàng A sang ngân hàng B có lãi suất thấp hơn, người vay sẽ phải tìm cách vay nóng 1 khoản tiền, để tất toán khoản vay đó. Sau đó, mới làm hồ sơ vay mới tại ngân hàng khác. Nhưng giờ thì người dân có thể chuyển hồ sơ sang vay luôn ngân hàng B. Việc cho vay trả nợ trước hạn thực chất đã được thực hiện với các doanh nghiệp từ trước, với mục đích cho vay kinh doanh.
Như vậy đồng nghĩa với việc nếu người dân đang có một khoản vay với lãi suất cao, giả sử là trên 10%, thì hoàn toàn có thể cầm hồ sơ vay sang ngân hàng khác để hỏi vay với một mức lãi thấp hơn.
Bước đầu triển khai đã có nhóm ngân hàng lớn có vốn nhà nước, đưa ra ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 6-6.9% cho các khoản vay ngắn hạn, khoảng 8% cho cả khoản vay ngắn hạn và trung dài hạn.Đáng chú ý, quy định mới này áp dụng cho tất cả các khoản vay tiêu dùng, phục vụ đời sống như mua nhà, mua xe ô tô hay vay để sắm sửa đồ dùng trong nhà…
Như với chị Hoàng Phương Thảo (quận Đống Đa, Hà Nội), đang vay gần 1 tỷ đồng để mua nhà, chị Thảo khá vui mừng khi biết có thể chuyển nợ vay. Song bên cạnh lãi suất, chị Thảo còn đang băn khoăn về thủ tục chuyển đổi, có thuận tiện cho người vay hay không.
"Quy định mới rất là hay, lúc đó mình sẽ cân nhắc cái lãi suất ngân hàng kia đưa ra, nếu nó thấp hơn từ 2-3% so với cũ thì mình cân nhắc, nhưng nếu nó chỉ ít thôi mà thủ tục lại phức tạp thì mình sẽ chưa tham gia", chị Thảo cho biết.
Quy định người dân có thể vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác được kỳ vọng sẽ giúp mặt bằng lãi suất cạnh tranh hơn
Các chuyên gia nhìn nhận, khi có hướng dẫn rõ ràng, chính sách mới sẽ buộc các ngân hàng phải hạ dần lãi suất cho vay để giữ chân khách. Bởi hiện lãi suất các khoản vay tiêu dùng, đặc biệt là cho vay mua nhà, nhiều ngân hàng vẫn giữ ở mức khá cao, từ 10 -13%/năm.
Theo ông Vũ Duy Khánh, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng rất yếu, hiện nhiều ngân hàng đang đưa ra nhiều gói cho vay ưu đãi lãi suất. Quy định mới sẽ giúp những người dân đang vay với lãi suất cao sẽ có lựa chọn đảo nợ với lãi suất thấp hơn tại ngân hàng mới.
Tuy nhiên hiện các ngân hàng đang cho vay ưu đãi lãi suất chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ thả nổi. Do đó, các chuyên gia cũng lưu ý người vay cần tính toán kĩ cả biên độ thả nổi sau này, trước khi quyết định chuyển khoản vay sang ngân hàng khác.
Rào cản chi phí
Sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, theo ghi nhận, hiện mới có 2-3 ngân hàng lớn đưa ra ưu đãi cho dịch vụ chuyển nợ. Về cơ bản, người vay sẽ không mất phí cho ngân hàng mới, mà mất phí trả nợ trước hạn theo quy định của Ngân hàng hiện vay. Điều quan trọng, là ngân hàng mới sẽ vẫn thẩm định, đánh giá khoản vay đó như thông thường, chứ không mặc nhiên chấp nhận cho chuyển nợ sang.
Như tại Ngân hàng ACB, ngay khi thông tư 06 có hiệu lực, ngân hàng này đã hoàn thiện quy trình nội bộ về việc cho vay với các khách hàng cá nhân muốn trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác. Mức lãi suất đưa ra khá cạnh tranh, ở mức 7%/năm trong 6 tháng đầu tiên, cùng nhiều ưu đãi như miễn phí thẩm định tài sản, hay hỗ trợ giải ngân nhanh...
"Đây là một cơ hội cho các khách hàng được lựa chọn một ngân hàng phù hợp với khả năng tài chính của mình", bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân - Ngân hàng ACB cho biết.
Người dân cần chú ý đến các chi phí khi thực hiện dịch vụ vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng có thể vay tiền của ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác với điều kiện khoản vay đó chưa được cơ cấu nợ. Thời gian vay tại ngân hàng mới cũng không được vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay cũ.
Cái lợi lớn nhất với khách hàng khi dịch chuyển khoản vay là phải trả lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, khách hàng phải gánh thêm một loạt chi phí, lớn nhất là chi phí phạt trả lãi vay trước hạn, hiện ở mức 1-3%, cộng với hàng loạt vấn đề liên quan tới tài sản đảm bảo… Mà mỗi ngân hàng có một khẩu vị rủi ro khác nhau, nên định giá khoản vay rất khác nhau.
Với quy định người dân có thể vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, ông Nguyễn Đức Lệnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh các tổ chức tín dụng phải công khai minh bạch về thủ tục, về lãi suất, về phí, cũng như làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, tư vấn, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Các ngân hàng cũng đánh giá, với chính sách mới này, cũng buộc các ngân hàng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm mới có thể cạnh tranh được.