"Không phải bây giờ nhà viết kịch Lê Duy Hạnh về cõi vĩnh hằng sân khấu kịch mới thấy sự mất mát..." (module này đang phát triển)
Văn hóa
Theo NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh tạo nên cấu trúc mới cho kịch bản với phong cách rất riêng khi lấy cơ sở từ kịch truyền thống để viết kịch hiện đại.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết không phải bây giờ nhà viết kịch Lê Duy Hạnh về cõi vĩnh hằng sân khấu kịch mới thấy sự mất mát, mà từ khi nhà viết kịch này dừng sáng tác vì bệnh, sự mất mát ấy đã hiện hữu.
NSND Trần Ngọc Giàu: Không phải bây giờ nhà viết kịch Lê Duy Hạnh về cõi vĩnh hằng sân khấu kịch mới thấy sự mất mát
"Anh là người sinh ra để viết kịch cho sân khấu và sống với sân khấu. Suốt từ giải phóng đến nay anh gắn bó với sân khấu. Tác phẩm anh để lại rất nhiều, nên dù khi anh ngừng hoạt động, các kịch bản của anh vẫn làm cho các sân khấu kịch sáng đèn. Ở các liên hoan, các tác phẩm của anh Hạnh dù không mới nhưng người ta vẫn sử dụng đi sử dụng lại để dự thi. Điều đó nói lên giá trị và tài năng của anh rất lớn", NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.
Cũng theo NSND Trần Ngọc Giàu, điểm đặc biệt tạo nên phong cách của Lê Duy Hạnh là ông tạo ra cấu trúc kịch mới. Các cảnh kịch được viết, được cấu trúc theo chủ đề với ý đồ với những thủ pháp tạo nên sự hấp dẫn của kịch bản. Mỗi kịch bản của Lê Duy Hạnh là thử thách đối với người đạo diễn. Vì ông đã kế thừa và lấy chất liệu cơ sở từ kịch truyền thống để viết kịch hiện đại. Việc ứng dụng đó tạo nên sự hiện đại trong kịch một cách mới lạ và đặc biệt. Phương thức và thủ pháp thể hiện là truyền thống nhưng anh nắm bắt được nhịp của thời đại. Thế nên, các đạo diễn phải nắm bắt cặn kẽ mới tạo nên vở kịch đủ nội dung mà Lê Duy Hạnh đặt ra trong kịch bản. Do đó, đến bây giờ kịch bản của ông vẫn còn hay vẫn còn nhiều thử thách với nhiều người".
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết thêm: "Việc viết kịch cho một diễn viên diễn trên sân khấu thì Lê Duy Hạnh là một trong số ít người khai phá và đi đầu. Những tác phẩm đó mang tính tiên phong thử nghiệm, nhưng đến bây giờ vẫn còn giá trị dù đã trải qua thời gian khá dài".
Một đóng góp lớn khác mà nhà viết kịch Lê Duy Hạnh để lại chính là việc kế tục và tạo ra giải thưởng sân khấu danh giá mà các diễn viên phấn đấu có được.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu: "Khi đó, ông Lê Duy Hạnh cùng Tạp chí Sân khấu cùng những nghệ sĩ, nhà báo lão thành khởi động lại giải Trần Hữu Trang. Suốt một thời gian dài giải Trần Hữu Trang được trao tuy không được ghi nhận là giải thưởng quốc gia nhưng tầm ảnh hưởng và giá trị và danh giá của nó rất lớn đối với giới nghệ sĩ và sân khấu. Nó không chỉ là giải thưởng của giới cải lương thành phố mà nó của cả nước và trở thành mục đích phấn đấu của rất nhiều nghệ sĩ. Giá trị của giải Trần Hữu Trang đang được khôi phục và nâng lên một bước đề nghị công nhận như một giải thưởng quốc gia".
Tác giả Lê Duy Hạnh tên ban đầu là Lê Thành Yến sinh năm 1947 tại Bình Định. Từ năm 1967 đến năm 1971, Lê Duy Hạnh học đại học ở TP.HCM và tham gia trong tổ chức Thanh niên Giải phóng. Năm 1972 ông ra chiến khu. Năm 1974, ông ra Hà Nội học trường viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông bắt đầu sáng tác kịch bản sân khấu lịch sử năm 1980 với tác phẩm Tâm sự Ngọc Hân. Các kịch bản nổi tiếng của ông đã đi vào lòng khán giả, như: Hoa độc trong vườn, Tâm sự Ngọc Hân, Diễn kịch một mình, Dời đô, Độc thoại đêm - Lý Chiêu Hoàng, Mặt trời đêm thế kỷ, Vua thánh triều Lê, Nỏ thần, Hoàng hậu của hai vua, Chiếc áo thiên nga, Trời Nam, Miền nhớ…
Ngoài ra, ông sáng tác nhiều kịch bản hình thức thể nghiệm như: Người cáo, Chuyện lạ, Hồn tuồng, Diễn kịch một mình, Trở về miền nhớ, Thần tượng thực, Nỗi đau nhân loại...
Một thời gian, tác giả Lê Duy Hạnh giữ chức Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, xây dựng cuộc thi Trần Hữu Trang để khuyến khích các tài năng trẻ. Ông từng đạt giải thưởng Nhà nước, huân chương lao động hạng nhất và nhiều giải khác trong sự nghiệp.
Tác giả Lê Duy Hạnh qua đời lúc 12h35 ngày 6/9. Lễ viếng tác giả Lê Duy Hạnh bắt đầu từ 9h ngày 7/9. Lễ truy điệu vào 5h ngày 9/9 tại Nhà tang lễ Thành phố (số 949, Quốc lộ 1, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM), sau đó di quan và hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.