Nhiều DNNN thua lỗ, hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ (module này đang phát triển)
Tin quốc tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Nắm giữ tài sản hơn 3,8 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 120.000 tỷ đồng
Sáng 14/9, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Trong đó, tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng, nhưng khối công ty mẹ tập đoàn-tổng công ty (DNNN quy mô lớn) lại nắm giữ 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên toàn quốc.
Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Sáng 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển
Khu vực DNNN đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà máy điện của EVN, TKV, PVN cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội.
Trong lĩnh vực xăng dầu, các DNNN và doanh nghiệp do DNNN sở hữu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ. Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, chế biến và khai thác dầu khí, các DNNN cung cấp 100% thị phần khí khô và 70% thị phần LNG toàn quốc…
Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021.
Ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra; tổng lãi phát sinh trước thuế 117.388 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước của DNNN cả năm 2023 ước đạt 128.821 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.
Chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ
Đáng giá chung năm 2022 và 8 tháng năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về cơ bản, các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách…
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Các tập đoàn, tổng công ty chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án…
Bộ Kế hoach và Đầu tư cho rằng cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch về hoạt động của DNNN.
Ngoài ra cần tập trung củng cố, phát triển một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực để giữ vững vị trí then chốt của nền kinh tế (năng lượng, kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính, công nghiệp viễn thông, công nghiệp bán dẫn, công nghệ lõi...).