Trung Quốc đầu tư gần 4.000 dự án ở Việt Nam (module này đang phát triển)
Tin quốc tế
Tính đến tháng 8 năm nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có gần 4.000 dự án ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 26 tỷ USD, đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Thực hiện phân công của Thủ tướng, ngày 13 - 14/9, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng dự Hội nghị cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 8 với chủ đề “Kỷ niệm 10 năm sáng kiến Vành đai và Con đường”, tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Với chủ đề “Kỷ niệm 10 năm sáng kiến Vành đai và Con đường”, hội nghị nêu bật những tiến bộ đáng chú ý đạt được thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường. Hội nghị đã thu hút gần 6.000 quan chức chính phủ cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân đến từ gần 70 quốc gia và khu vực.
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận chính sách với chủ đề “Sáng kiến Vành đai và Con đường - chất xúc tác cho hợp tác và phát triển khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam có vị trí cầu nối giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Vì vậy, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường có ý nghĩa thúc đẩy, kết nối khu vực.
Hiện nay, Bộ KH&ĐT và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc đang thúc đẩy kết thúc đàm phán kế hoạch kết nối giữa khuôn khổ hai hành lang, một vành đai với sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được cải thiện, lòng tin chính trị được củng cố vững chắc hơn, hợp tác, kết nối kinh tế giữa hai nước đã diễn ra mạnh mẽ.
Về đầu tư, tính đến tháng 8 năm nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có gần 4.000 dự án ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 26 tỷ USD, đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Về thương mại, Trung Quốc luôn là đối tác lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Tại phiên thảo luận chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ về tình hình và kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo đó, những năm vừa qua, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việt Nam đang chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người; tích cực thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò của Hồng Kông (Trung Quốc) làm cầu nối Khu vực Vịnh lớn (gồm Hồng Kông, Thâm Quyến, Quảng Châu) với Việt Nam và các nước Đông Nam Á, nhất là trong các lĩnh vực phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác đầu tư, tài chính, thương mại, logistics và vận tải.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng ra đời từ năm 2013 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực trên 5 lĩnh vực: chính sách, giao thông, tài chính, thương mại và kết nối con người. Qua 10 năm hợp tác và phát triển, đến nay BRI đã thu hút sự tham gia, hợp tác của hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế; hơn 3.000 dự án đã được triển khai trên toàn cầu với tổng số vốn gần 1.000 tỷ USD.