Công ty dệt may sắp niêm yết trên HoSE: Giá cổ phiếu tăng 50% từ đầu năm, doanh thu vượt loạt ông lớn TCM, M10 hay GIL, trả cổ tức đều đặn bằng tiền (module này đang phát triển)
Tin trong nước
Dệt may Hòa Thọ này đã đưa 22,5 triệu cổ phiếu của mình lên giao dịch trên sàn UPCoM kể từ giữa năm 2017.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo chấp thuận niêm yết đối với hơn 36 triệu cp HTG của tổng công ty Dệt may Hòa Thọ. Mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị cổ phiếu niêm yết hơn 360 tỷ đồng.
Trước đó, doanh nghiệp này đã đưa 22,5 triệu cổ phiếu của mình lên giao dịch trên sàn UPCoM kể từ giữa năm 2017. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/9, cổ phiếu HTG có giá 31.100 đồng/cp, tăng 12% chỉ sau một tháng và tăng gần 50% kể từ đầu năm.
Dệt may Hòa Thọ được thành lập từ 1962, là một trong những doanh nghiệp dệt may có bề dày lịch sử và quy mô lớn với 2 lĩnh vực chính: sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các loại sản phẩm may mặc, các loại sợi; nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị thiết yếu dùng để kéo sợi và sản xuất hàng may mặc.
Hiện tổng diện tích nhà máy của đơn vị này đạt 20,5 ha với 10.000 nhân sự. Công ty đã và đang sản xuất cho các thương hiệu như Snickers, Burton, Novadry, Haggar, Perry Ellis Portfolio, và Calvin Klein. Sản phẩm dệt may của Dệt may Hòa Thọ bao gồm veston, đồ bảo hộ lao động, áo khoác, quần tây và sản phẩm sợi.
Hiện vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 360 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang là công ty mẹ của doanh nghiệp này khi sở hữu 22,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 61,9% vốn. Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch công ty nắm giữ 1,1 triệu cổ phiếu HTG, tương ứng 3,12% vốn.
Về kết quả kinh doanh, hàng năm Dệt may Hòa Thọ vẫn thu về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu, hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2022, công ty này đã báo lãi kỷ lục với doanh thu 5.144 tỷ đồng, lãi sau thuế 268 tỷ đồng, cùng tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, so với một số doanh nghiệp dệt may trên sàn, mức doanh thu đạt được của Dệt May Hòa Thọ hiện chỉ thua Vinatex, Dệt may TNG (TNG), ngang ngửa với May Sông Hồng (MSH). Thậm chí, vượt một số công ty trong ngành nổi tiếng trên sàn như Dệt may Thành Công (TCM), Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), May 10 (M10)...
Mới đây, Dệt may Hòa Thọ cũng công bố kết quả kinh doanh 8 tháng năm 2023 doanh thu hợp nhất tại doanh nghiệp này đạt 3.231 tỷ đồng giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 72% kế hoạch năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu là 80 triệu USD, giảm 10%. Trong đó xuất sang thị trường Mỹ 46%, châu Âu 14%, châu Á 28% và các thị trường khác là 12%.
Thu nhập bình quân của người lao động là 8,86 triệu/người/tháng, bằng 90% so với cùng kỳ của năm 2022. Về lợi nhuận của dệt may Hòa Thọ, sau 8 tháng doanh nghiệp này ước đạt 155 tỷ đồng lợi nhuận, bằng 69% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 82% so với kế hoạch năm 2023.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 2.371 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho trị giá 830,3 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp đạt gần 254 tỷ đồng. Tài sản cố định ở mức 685 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Dệt may Hòa Thọ ở mức 1.549 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính là 883 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 821,6 tỷ đồng.
Sau năm 2022 lãi kỷ lục, mới đây Dệt may Hòa Thọ của đã trả cổ tức tỷ lệ 60% cho cổ đông. Trong đó, có 40% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu. Doanh nghiệp này vẫn có truyền thống trả cổ tức bằng tiền đều đặn cho các cổ đông. Bên cạnh đó, kể từ năm 2021 công ty cũng kết hợp trả thêm cả bằng cổ phiếu.
Trong báo cáo mới đây của SSI Research về triển vọng đối với ngành dệt may Việt Nam thời gian tới, đơn vị này cho biết Vinatex nhận định sự phục hồi sẽ diễn ra chậm do chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu cần có thời gian để phục hồi.
Vì vậy, SSI Research hiện dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022, và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB. Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.
Hơn nữa, Vinatex dự kiến xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.
Trong nửa cuối năm 2023, SSI Research cho rằng các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý 3/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý 2/2023 và sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ của quý 4/2023, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện.
Hầu hết các công ty đều đã ghi mức nền kết quả kinh doanh thấp trong quý 4/2022, do đó, kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý 4/2023. "Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Mỹ đạt đỉnh điểm vào tháng 1/2007, thị trường phải mất hai năm để hấp thụ với lượng hàng tồn kho sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12/2009", SSI Research cho biết.