Doanh nghiệp châu Âu không hợp tác với nhà máy dùng năng lượng hóa thạch (module này đang phát triển)
Tin trong nước
Yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam là phải có lộ trình chuyển đổi và loại bỏ hoàn toàn năng lượng hóa thạch.
Năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. Riêng thị trường Liên minh châu Âu (EU), trong 7 tháng đầu năm 2023, dệt may xuất khẩu vào EU đạt 2,3 tỉ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ.
Bước sang tháng 8-2023, xuất khẩu giảm mạnh hơn khi chỉ được 330 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ. Trong đó, những đơn hàng lớn từ Decathlon, Nike, Adidas đã giảm mạnh. Nhiều khả năng tháng 9 này sẽ tiếp tục giảm sâu.
Thông tin tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU do Bộ Công Thương phối hợp UBND TP HCM tổ chức chiều 14-9, ông Đặng Quốc Thắng, Giám đốc sản xuất ngành dệt thoi Decathlon Việt Nam, nêu dự báo khả năng tình hình khó khăn sẽ kéo dài đến năm 2024.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, mặt tích cực của khó khăn là sẽ cơ hội để doanh nghiệp thay đổi và tìm hướng đi mới.
Ông Đặng Quốc Thắng, Giám đốc sản xuất ngành dệt thoi Decathlon Việt Nam
"Với ngành hàng thời trang và thiết bị thể thao, để cạnh tranh được với các quốc gia khác, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất tinh gọn, tối ưu quy trình và giảm chi phí sản xuất, xây dựng văn hóa cải tiến liên tục. Song song đó là đẩy mạnh sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời...), xây dựng lộ trình ngừng sử dụng than đá, tăng cường tự chủ trong sản xuất..." - ông Thắng nêu giải pháp.
Ông Thắng nhấn mạnh trong chính sách mua hàng của Decathlon, nếu nhà máy nào dùng than đá, tập đoàn sẽ không hợp tác. Doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của Decathlon thì phải có lộ trình, ít nhất là sau năm 2025 sẽ phải chuyển đổi và loại bỏ hoàn toàn năng lượng hóa thạch.
Đại diện Decathlon cho biết tập đoàn luôn mong muốn tìm kiếm các nhà sản xuất, đối tác tin cậy và có tính tự chủ cao. Trong quy trình lựa chọn nhà cung cấp, Decathlon sẽ ưu tiên các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về trách nhiệm với người lao động và cộng đồng; trách nhiệm doanh nghiệp với môi trường; bảo đảm các yếu tố về giá cạnh tranh, thời gian giao hàng nhanh và chất lượng tốt. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đủ năng lực về tài chính.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nhìn nhận xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU sụt giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2023. Theo ông Giang, bên cạnh sự sụt giảm về đơn hàng bởi tác động của kinh tế, doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn đang đối diện với thách thức lớn liên quan đến tiêu chí "xanh" .
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)
Cụ thể, trong cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế và đây là những yêu cầu mà những nhãn hàng đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng. Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, xanh hóa, lao động, minh bạch sản xuất...
"Vấn đề này, doanh nghiệp lớn không đáng ngại nhưng với doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là thách thức" - ông Giang nói.