Đề xuất tăng lương tối thiểu cho công nhân, người lao động, cụ thể ra sao? (module này đang phát triển)
Bản tin 247
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng lương tối thiểu cho công nhân, người lao động, đồng thời tập trung thực hiện tốt các chính sách an ninh xã hội.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng của năm 2023, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đánh giá, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra trong 8 tháng của năm 2023. Trong đó doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Đời sống một bộ phận người dân khó khăn. Tình hình sạt lở, ngập úng, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống…
Đề xuất tăng lương tối thiểu cho công nhân, người lao động
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền. Đồng thời giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TƯ.
Trước đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp để bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Phía đại diện người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ 5-6 %.
Theo công bố khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tổ chức, có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống. 75,5% người cho biết thu nhập hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiết. Thậm chí có trường hợp chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu.
Tiền lương cơ bản hàng tháng của người lao động trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Thu nhập trung bình của người lao động không đủ để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt
Thu nhập trung bình của người lao động được khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng. Trong đó tiền lương cơ bản chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng, 23,3% đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.
Cũng theo khảo sát, chỉ 8,1% người lao động có tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Cùng với đó, có 17,3% lao động phải thường xuyên vay nợ. Lương thấp, thiếu việc làm thêm đã tác động đến cuộc sống gia đình, chăm sóc con cái, dinh dưỡng hàng ngày… của người lao động.
Ngoài ra, tiền lương cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định sinh con của 72% người lao động.
Chỉ có 26,2% người lao động có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hằng ngày. 10,3% người lao động với thu nhập hiện nay họ ít khi có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn gia đình.
Cần tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững hơn cho người lao động
46,5% người đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh; 6,3% người có thu nhập không đủ để mua thuốc và khám chữa bệnh; 6,5% người cho biết họ không làm gì cả, vẫn đi làm bình thường và để bệnh tự khỏi...
23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng được người lao động dùng để trả tiền thuê nhà.
Có 12,3% người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội 1 lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần. Trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần và người rút thấp nhất là 1 lần.