Chăm sóc và bảo vệ trẻ em - cần tinh thần phụng sự xã hội của doanh nghiệp (module này đang phát triển)
Gia đình
"Trẻ em là hiện tại và cũng là tương lai, các hoạt động kinh doanh không thể bền vững nếu không tính đến tác động đối với trẻ em” – bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nói.
"Nấu cho các em ăn dù anh không là đầu bếp giỏi Cũng là cách anh giúp chính mình bớt nghĩ suy cho đầu hết mỏi Anh muốn thấy những vị khách nhỏ ăn hết sạch những đồ ngon thơm Vì anh biết những đứa trẻ này, mai này sẽ xây dựng quê hương…"
Từng lời ca trong MV "Nấu ăn cho em" (do Rapper Đen Vâu kết hợp với ca sĩ PiaLinh - Hương Linh thực hiện) ra mắt gần cuối tháng 5 vừa qua đã chạm đến trái tim nhiều khán giả khi hướng về một hành trình đặc biệt: Đen Vâu và những người bạn lên vùng cao thăm các em nhỏ tại điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sá Tổng (Mường Chà, Điện Biên) để bắt đầu hành trình "Nuôi em", chung tay tạo hệ sinh thái gồm xây trường, nhà, mang điện, nước sạch về bản, làm tủ sách, tặng áo ấm...
"Nụ cười của các em là lãi của chúng mình trong chuyến đi này. Doanh thu lượt nghe và xem của bài hát này từ nay về sau sẽ được dành tặng để lo cho các em", Đen Vâu công bố. Và chỉ sau 1 tháng phát hành, "Nấu ăn cho em" đã nhận về con số hơn 17.000 USD, tương đương hơn bốn trăm triệu. Nhờ sự lan toả của Đen Vâu, đến tháng 5 vừa qua, đã có hơn 1.000 em nhỏ được nhận nuôi, thêm 4.000 suất hỗ trợ dự án, cùng với 8.000 tài khoản nhà hảo tâm chờ đợi hỗ trợ.
Đen Vâu là đại diện cho những người trẻ mang hoài bão làm điều tử tế, khao khát được cống hiến cho xã hội. Sự nổi tiếng của người nghệ sĩ có thể tạo ra hiệu ứng lan toả nhanh, mạnh. Song nhìn một cách toàn cảnh, thành công trong việc bảo vệ trẻ em không thể chỉ đến từ lời kêu gọi từ thiện của một vài cá nhân, mà cần có sự tham gia của doanh nghiệp – với nguồn lực và tác động xã hội lớn hơn.
Theo thống kê từ UNICEF, trẻ em dưới 18 tuổi chiếm gần 1/3 dân số thế giới và có vai trò lớn trong kinh doanh. Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhận định: "Trẻ em là hiện tại và cũng là tương lai, các hoạt động kinh doanh không thể bền vững nếu không tính đến tác động đối với trẻ em". Điều đó đồng nghĩa với việc, hành trình bảo vệ trẻ em luôn cần có sự cộng hưởng của các doanh nghiệp có nguồn lực lớn.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã ý thức được sứ mệnh bảo vệ trẻ em trong suốt nhiều năm qua, như câu rap của Đen Vâu, họ biết "những đứa trẻ này, mai này sẽ xây dựng quê hương", là tương lai của đất nước.
Trở lại 2 năm trước, vào những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất, ngay sau khi có thông tin hàng ngàn trẻ tại TP. HCM rơi vào cảnh mồ côi, Báo Thanh Niên đã phát động chương trình "Cùng con đi tiếp cuộc đời" để giúp đỡ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19. Từ thời điểm ấy, những bước chân đi tiếp cuộc đời của trẻ mồ côi vì đại dịch Covid-19 đã bớt lẻ loi khi có sự đồng hành của rất nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước, trong đó, không thể không nhắc đến cái tên Tân Hiệp Phát.
Không chỉ ký kết bảo trợ cho 50 trẻ em mồ côi do Covid-19 tới năm 18 tuổi với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng, trong danh sách hồ sơ phụ huynh đăng ký, có gia những gia đình được bảo trợ tới 3 trẻ. Đặc biệt hơn nữa, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã ưu tiên nhận bảo trợ những trẻ khuyết tật, chậm phát triển.
Cơn bão Covid-19 qua đi, hành trình của Tân Hiệp Phát vẫn âm thầm diễn ra trong suốt chặng đường kinh doanh vì cộng đồng, xã hội. Sáng ngày 8/8 vừa qua, Tân Hiệp Phát đã tổ chức đoàn cán bộ nhân viên cùng con em tới thăm hỏi 03 Mái ấm tình thương tại TP. Dĩ An và TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương gồm "Mái ấm Huỳnh Tiểu Hương", "Mái ấm Tình Mẹ" và "Mái ấm Cha Hiến".
Tại đây, đoàn đã trao tặng bảo trợ hàng tháng gồm tiền mặt và hiện vật là các sản phẩm nước giải khát tới các Mái ấm để chăm lo cho các em nhỏ không may mắn. Được biết, 3 Mái ấm tình thương đang nuôi dạy hơn 500 trẻ em từ sơ sinh đến thanh thiếu niên trên cả nước, cùng những người mẹ trẻ cơ nhỡ.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình bảo trợ hàng tháng cho 11 Mái ấm tại Bình Dương và TP. HCM được Tập đoàn Tân Hiệp Phát triển khai từ tháng 3/2023 với tổng giá trị hỗ trợ mỗi tháng là 200 triệu đồng gồm 95 triệu tiền mặt và 600 thùng nước giải khát.
Xác định giáo dục con người như một trong những sứ mệnh cốt lõi, Tập đoàn FPT cũng không đứng ngoài hành trình bảo vệ trẻ em. Nổi bật là hồi tháng 10/2021, đã có 3.300 thiết bị học trực tuyến được FPT và quỹ Hy vọng trao cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 7 tỉnh, thành phía nam đang áp dụng hình thức dạy học online, với tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng.
Cuối năm 2022, Tập đoàn FPT và Quỹ người FPT vì cộng đồng tiếp tục đóng góp 4,5 tỷ đồng, trực tiếp đồng hành cùng Quỹ Hy Vọng trong dự án "Nâng bước em đến trường" tại các tỉnh miền Tây. Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình "FPT chắp cánh ước mơ", gửi tặng 600 phần quà tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cũng như đến Cần Thơ và Đồng Tháp để khánh thành 7 cây cầu, khởi công 9 cầu Hy Vọng và trao tặng quà tại 4 điểm trường.
Hay Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam cũng là đơn vị đồng hành cùng các chương trình trao tặng học bổng của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Đắk Lắk; ngoài ra, Acecook còn hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk chương trình "Gói mì hạnh phúc" giúp tăng khẩu phần ăn cho trẻ em đang được nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở bảo trợ xã hội, trường mẫu giáo với tổng kinh phí gần 128 triệu đồng.
Bà Vũ Kim Hạnh, chuyên gia chính sách kinh tế, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam đánh giá: "Các doanh nghiệp là những thực tiễn về kinh doanh có trách nhiệm tôn trọng quyền trẻ em". Một doanh nghiệp sẽ muốn nhận được sự ủng hộ của người lao động, sự tin tưởng của khách hàng, thì chiến lược chăm sóc và bảo vệ trẻ em là vô cùng quan trọng.
Những kết quả tích cực từ hoạt động từ thiện của doanh nghiệp kể trên là không thể phủ nhận, song, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với trẻ em không chỉ dừng lại ở từ thiện.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam chỉ rõ: Bảo vệ trẻ em còn "có nghĩa là cần đầu tư vào trẻ em, vào các dịch vụ cho trẻ em và tạo ra môi trường phù hợp với trẻ em. Và cũng có nghĩa là chúng ta phải tận dụng thế mạnh của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả doanh nghiệp và xã hội dân sự, và tìm ra những cách thức mới để làm việc cùng nhau nhằm thúc đẩy sự tiến bộ cho trẻ em".
Thực tế, vượt qua khuôn khổ những hoạt động từ thiện truyền thống, công tác CSR (trách nhiệm xã hội) của các doanh nghiệp đang có nhiều cải tiến hướng tới những giá trị bền vững và các cách tiếp cận mới mẻ. Không đơn thuần chỉ dừng lại ở những chương trình nhỏ lẻ, việc thể hiện trách nhiệm với thế hệ tương lai đang được cộng đồng kinh doanh mở ra thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Nắm giữ vai trò đầu ngành thị trường nước giải khát trong nước, với quy mô ngang ngửa các tập đoàn lớn ở châu Á, sau gần 30 năm mở rộng, bên cạnh không ngừng đưa ra thị trường những sản phẩm tốt cho sức khỏe của mọi tầng lớp dân cư, Tân Hiệp Phát đã tạo ra công ăn việc làm cho hơn 4.000 lao động tại 4 nhà máy trải dài trên khắp 3 miền đất nước và góp phần ổn định đời sống của hàng chục ngàn hộ gia đình trong chuỗi lao động, cung ứng liên quan tới hoạt động của Tân Hiệp Phát.
Trong giai đoạn Covid-19, khi các nhà máy đều gần như đình trệ vì dịch bệnh, chiến dịch 3 tại chỗ của Tân Hiệp Phát một lần nữa gây tiếng vang khi bảo toàn được việc làm, thu nhập cho toàn bộ nhân viên. Đến nay, dù bối cảnh kinh tế khó khăn, Tân Hiệp Phát vẫn là chỗ dựa, ổn định đời sống cho hàng ngàn trẻ em thông qua phúc lợi dành cho người lao động. Trong suốt 3 năm qua, Tân Hiệp Phát đảm bảo 100% người lao động không mất việc làm, không bị giảm thu nhập.
Ông David Charles Riddle, CEO Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhấn mạnh trong chuyến thăm mới đây: "Trẻ em là luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của THP trong các hoạt động trách nhiệm xã hội của mình. Không chỉ hỗ trợ về tài chính và vật chất, THP luôn cố gắng mang tới sự quan tâm, chăm lo về tinh thần, sự thăm hỏi trực tiếp tới các em để động viên, lan tỏa tinh thần "không gì là không thể". Chúng tôi mong muốn các em luôn lạc quan hướng về tương lai, vượt mọi khó khăn trong cuộc sống, nỗ lực phấn đấu, học tập để đạt được ước mơ của mình và trở thành người có ích".
Còn với nhà máy công ty PouYuen Việt Nam tại TP.HCM, họ cũng đã từng phổ cập sự quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ cho lao động. Đồng thời có những kế hoạch ban hành chính sách hỗ trợ cho các lao động nữ đang nuôi con bú sử dụng phòng vắt và trữ sữa trong giờ làm việc.
Nhận thức được công nhân viên nhà máy còn có vai trò là cha mẹ của các em nhỏ, nhà máy Pou Chen Việt Nam ở tỉnh Đồng Nai cũng đã triển khai đào tạo chương trình nuôi dạy con cái toàn diện để nâng cao nhận thức của công nhân về sức khỏe, dinh dưỡng, vui chơi, nuôi dạy con theo hướng tích tích cực và an toàn cho trẻ em, với kế hoạch mở rộng đào tạo trong toàn bộ nhà máy.
"Điều cực kỳ quan trọng là các doanh nghiệp, ở bất kỳ lĩnh vực hoặc quy mô nào, cần hiểu rằng họ có tác động đến trẻ em và thanh thiếu niên thông qua các chính sách và thực hành tại nơi làm việc. Chúng tôi mong muốn tiếp tục cộng tác với khối doanh nghiệp để doanh nghiệp đầu tư về phúc lợi cho người lao động và con em họ, thông qua các chính sách của doanh nghiệp mang tính thân thiện với các gia đình" - bà Nazia Ijaz, Chuyên gia Hợp tác Doanh nghiệp, UNICEF Việt Nam cho biết.
"Đối với Tân Hiệp Phát, chăm sóc trẻ em không phải là hoạt động từ thiện mà là trách nhiệm với cộng đồng nói chung, trẻ em nói riêng và phụng sự xã hội, là giá trị cốt lõi mà chúng tôi đặt ra ngay từ ngày đầu thành lập" - Tập đoàn Tân Hiệp Phát khẳng định.
Đó cũng là triết lý mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ lựa chọn để khẳng định sự trọn vẹn trong cam kết hoạt động có trách nhiệm với cộng đồng nói chung, trẻ em nói riêng và phụng sự xã hội.