Nền kinh tế trong sự đứt gãy dòng tiền [Bài 1]: Mây mù bao phủ nền kinh tế (module này đang phát triển)
Gia đình
Nền kinh tế Việt Nam vừa có năm tăng trưởng cao nhất trong vòng 20 năm qua, lạm phát vẫn được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, tuy nhiên, dưới góc nhìn của những “người trong cuộc”, kinh tế đang đứng trước những thách thức chưa từng có.
Không cần đến những con số thống kê chi tiết về toàn bộ hoạt động của mọi lĩnh vực, chúng ta cũng có thể cảm nhận được những khó khăn đang bao phủ lên nền kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2023 khi tiêu dùng suy yếu, thất nghiệp gia tăng, sản xuất công nghiệp trì trệ và thị trường bất động sản thì gần như đóng băng.
Đầu 2023, những con số báo cáo cho thấy lạm phát vẫn được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, xuất nhập khẩu, FDI giải ngân đã trấn an nhà đầu tư rằng nền kinh tế vẫn đang vẫn hành ổn định bất chấp những khó khăn trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, những con số cũng sớm đảo chiều và kinh tế đang đứng trước những thách thức chưa từng có trong mắt của các nhà kinh doanh và giới chuyên gia.
Nhìn trực diện vào nền kinh tế thực, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) đặt ra câu hỏi liệu nền kinh tế có thực sự ổn?
Ông cho rằng, nền kinh tế khi mở cửa lại sau đại dịch COVID-19 đang đối diện với hàng loạt mâu thuẫn. Lạm phát Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, nhưng lãi suất lại cao bậc nhất thế giới.
Kinh tế thực tốt, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng thị trường tài chính giảm sâu, chao đảo và đứt gãy, tín dụng cạn kiệt, nhà đầu tư rời bỏ thị trường và thị trường bất động sản đóng băng. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 cao nhất trong hai mươi năm qua, nhưng doanh nghiệp thiếu việc làm, công nhân mất việc hoặc giảm việc làm, giảm thu nhập.
Hãy hình dung ngay cả những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm,...vốn trụ vững trong đại dịch nhờ tính thiết yếu của nó đến nay cũng không thể giữ được doanh số bán hàng vì nhu cầu người tiêu dùng đột ngột lao dốc.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất dầu ăn cho biết, các nhà máy hiện phải thu hẹp sản xuất vì nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Tại các khu công nghiệp, các mối sỉ cũng giảm số lượng nhập hàng, người dân cũng không còn tiêu thụ dầu nhiều như trước khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn.
Anh Thuân, chủ một doanh nghiệp vận tải cho biết, trước đây doanh nghiệp anh “sống khỏe” nhờ vận chuyển dầu từ nhà máy tại Bà Rịa – Vũng Tàu về các kho tại TP HCM đã không còn đơn để chạy, buộc phải cắt giảm tài xế và tìm các chuyến đi xa với mức phí thấp hơn để duy trì việc làm.
Trực quan hơn, Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành logistics nói: “Muốn biết kinh tế thực có tốt hay không thì chỉ cần ra cảng nhìn số lượng xe container ra vào sẽ thấy”. Nếu kiểm nghiệm câu nói trên, nhiều người trong chúng ta sẽ cùng nhận ra một điều: “Nền kinh tế không tốt như tưởng tượng”.
Trong hai tháng đầu năm, cán cân thương mại thặng dư nhưng thực tế là do nhập khẩu lao dốc, các doanh nghiệp hạn chế nhập nguyên liệu đầu vào. Điều này không đồng nghĩa với tình hình đơn hàng đang khá hơn mà cho thấy sự khó khăn về đơn hàng, nhiều dự báo cho rằng, sự khó khăn này sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý II năm nay.
Ngay cả khối FDI , vốn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tạo ra việc làm và kích thích tiêu dùng nội địa cũng đang phải cơ cấu lại toàn bộ hoạt động sản xuất và trì hoãn các kế hoạch đầu tư. Một khi môi trường lãi suất cao chưa chấm dứt và tổng cầu thế giới chưa phục hồi, tình cảnh doanh nghiệp cắt giảm nhân sự sẽ chưa dừng lại.
Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro tăng cao liên quan đến những trở ngại bên ngoài và nguy cơ dễ tổn thương trong nước. Hai trên ba trụ cột của nền kinh tế: Tiêu dùng nội địa và xuất nhập khẩu đều suy yếu là những đám mây mù bao phủ nền kinh tế.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP 6,3% trong năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,2%, thấp hơn khá nhiều so với dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 6,7% được đưa ra từ tháng 10/2022 và thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đặt ra.
Tăng trưởng kinh tế trong năm nay dự kiến phần lớn đến từ hoạt động đầu tư công, phần còn lại nền kinh tế đang ngày càng xấu đi. Theo World Bank, trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến sẽ chậm lại do nhu cầu tại Mỹ và khu vực đồng Euro yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự báo nhu cầu trong nước có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát ước tính cao hơn (trung bình 4,5%) vào năm 2023.
Trong khi đó, việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính của Việt Nam, vốn đang gặp phải những điểm yếu trong cân đối kế toán ở khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước, và do những cải cách chưa hoàn thiện.
Nhìn nhận về động lực từ xuất khẩu, TS. Nguyễn Đình Cung nói: “Xuất khẩu là một động lực tăng trưởng mà dự kiến tăng chỉ 6% cho năm nay cho thấy tình hình kinh tế thế giới sẽ khó như thế nào”.
PGS. TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế - Vĩ mô, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế Quốc thì đánh giá, sức cầu yếu chủ yếu từ thu nhập sụt giảm, chi tiêu giảm. Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng lên song phần lớn trong số đó là yếu tố tăng giá do lạm phát.
Với mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay cũng làm cho chi phí cơ hội của việc tiêu dùng đắt đỏ hơn khiến người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến sức cầu, người dân ít chi tiêu mua sắm khiến tổng cầu sụt giảm.
So sánh với số liệu năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19 quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19, trong khi dân số Việt Nam đã tăng thêm khoảng một triệu người.
Lĩnh vực du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP năm 2019 chưa kể những đóng góp lan tỏa ra nhiều lĩnh vực khác. Dù được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển của năm nay khi Trung Quốc mở cửa trở lại, song theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch phục hồi vẫn còn rất chậm sau COVID-19.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp ngành du lịch, Việt Nam dù mở cửa trở lại đầu tiên trong khu vực sau dịch COVID-19 nhưng lại “đi trước về sau”, tình trạng phục hồi rất chậm nhất là với đối tượng khách quốc tế khiến cho các doanh nghiệp điêu đứng.
Hàng loạt khách sạn, nhà hàng rao bán, chuyển nhượng, tàu thuyền du lịch nằm im bất động, nhiều khu du lịch đìu hiu… là tình cảnh chung ở nhiều điểm đến vốn luôn rất đông khách trước dịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Với các tập đoàn lớn như Sun Group, tình trạng cũng không “khá khẩm” sau khi mở cửa trở lại, lượng khách sụt giảm rõ rệt. Nếu như năm 2019, tỷ lệ lấp đầy phòng của hai resort này đạt trên 80% thì nay chỉ còn 30 - 40%.
Nhấn mạnh sức khoẻ tài chính của các doanh nghiệp du lịch và hàng không đang rất xấu, Chuyên gia hàng không – Du lịch Lương Hoài Nam nêu thực tế, hàng nghìn doanh nghiệp du lịch, khách sạn thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất. Nhiều khách sạn ngay ở TP HCM rao bán để có tiền trả nợ, các phố du lịch đìu hiu, không có cơ hội kinh doanh.
Hàng không Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, các hãng đều báo lỗ trong năm 2022, theo TS. Lương Hoài Nam nếu không có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, việc này sẽ xảy ra ngày càng nhiều, uy hiếp sự tồn vong của ngành vận tải hàng không Việt Nam.
Ông Nam cho rằng, trong bối cảnh sức khoẻ ngành hàng không và du lịch đang vô cùng xấu, Chính phủ cần có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của hàng không, du lịch, lan toả đến các ngành kinh tế khác, thu hút nguồn ngoại tệ,…
Doanh thu lao dốc khi tổng cầu giảm, các doanh nghiệp lại phải đối diện với tình cảnh chi phí tăng, đặc biệt là lãi suất tăng mạnh cùng với tắc nghẽn trên thị trường vốn càng khiến doanh nghiệp khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, phải chấp nhận làm hòa vốn, thậm chí chịu lỗ để vừa giữ chân khách hàng vừa ổn định đời sống người lao động. Dù là như vậy, rất nhiều doanh nghiệp buộc phải chọn phương án sa thải lao động để tồn tại, nhiều doanh nghiệp ở TP HCM cho biết hết khả năng trả lãi, có đơn vị tính chuyện "bán mình" để trả nợ.
Phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe của UBND TP HCM vào cuối tháng 2, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM cho biết, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp đang "cực kỳ thấp" do lãi vay quá cao, chi phí đầu vào, điện, nước đều tăng. "Với lãi suất cho vay trên 10% một năm như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động cũng đã rất áp lực, chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi".
TS. Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được cải thiện, lãi suất cho vay không tăng nhưng ở mức cao và không giảm.
Một điều đáng tiếc là thiếu các biện pháp hỗ trợ giảm chi phí, giải quyết khó khăn và tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Sinh kế của một bộ phận dân cư chuyển phải từ chính thức sang phi chính thức.
Sự kiện liên quan đến hoạt động đòi nợ tại các công ty tài chính gây gần đây không chỉ nhìn dưới góc độ pháp lý, mà có thể là hồi chuông cảnh báo về hệ quả của việc sinh kế của người dân bị mất đi.
Nền kinh tế đang thực sự bị “mây mù” bao phủ và nếu không có những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì nền kinh tế thì sẽ rất khó để có “ánh sáng ở cuối đường hầm”.
Xem tiếp chuỗi bài thuộc chủ đề "Nền kinh tế trong sự đứt gãy dòng tiền":
Bài 2: Dòng vốn tắc nghẽn, bóp nghẹt kinh tế sản xuất, nhà đầu tư cũng mất kênh đa dạng danh mục