Giá vàng bật tăng mạnh (module này đang phát triển)
Pháp luật
Giá vàng trong nước sáng nay (15/9) tăng vọt theo đà đi lên của giá vàng thế giới sau một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố.
Thời điểm 10h05, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 67,9 - 68,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng cả ở chiều mua và bán so với cuối phiên hôm qua (14/9).
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, doanh nghiệp cũng nâng giá mua vàng miếng SJC khu vực Hà Nội 50.000 đồng/lượng ở chiều mua và 100.000 đồng/lượng chiều bán. Sau điều chỉnh, hiện giá vàng giao dịch ở mức 67,85 triệu đồng/lượng mua vào và 68,7 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng miếng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp điều chỉnh tăng 60.000 đồng/lượng cả ở chiều mua vào và chiều bán ra, lên 67,93 - 68,58 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới
Trên thế giới, lúc 9h05 hôm nay (15/9, giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.915,3 USD/ounce, tăng 13,3 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.936,2 USD/ounce.
Hiện vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá gần 56,32 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí), thấp hơn khoảng 12,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Giá vàng được dự báo có khả năng sẽ chạm mốc 5.000 USD/ounce trong 3 năm tới. (Ảnh: Getty Images)
Giá vàng hôm nay khởi sắc nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn. Cụ thể, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hoa Kỳ đạt mức 0,7% trong tháng 8, cao hơn 0,3 điểm % so với dự báo là 0,4%. Chỉ số PPI “cốt lõi” (loại bỏ lương thực và năng lượng) tăng 0,2%, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Trong khi doanh số bán lẻ ở Mỹ trong tháng 8 tăng 0,6% so với mức dự báo của thị trường là tăng 0,1%.
Những con số trên cho thấy khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng cũng làm chậm tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa nhu cầu đối với hàng hóa thô, bao gồm cả kim loại, sẽ ít hơn.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa tăng thêm lãi suất 0,25 điểm % để nâng lãi cơ bản lên 4%. Chủ tịch ECB Christine Lagarde lưu ý rất có thể lần tăng lãi suất này là kết thúc chu kỳ tăng lãi suất của ECB.
Thông tin này khiến giới đầu tư tài chính kỳ vọng thị trường tiền tệ quốc tế giảm mức độ biến động, tác động tích cực đến giá vàng hôm nay của thế giới.
Các chuyên gia từ JPMorgan cho rằng, vàng vẫn được hỗ trợ vững chắc trong dài hạn nhờ nhu cầu mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương. Trong báo cáo mới nhất, JPMorgan chỉ ra rằng, trong khi phân bổ hàng hóa ngoài vàng đang giảm, phân bổ của các nhà đầu tư vào kim loại quý đã tăng lên trong năm qua, trong đó việc mua vàng của ngân hàng trung ương là động lực chính.
JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ cao kỷ lục. Trong tháng 7, JPMorgan đã công bố một báo cáo nghiên cứu từ Greg Shearer, Giám đốc điều hành về nghiên cứu hàng hóa toàn cầu, dự đoán giá vàng sẽ đạt mức cao mới vào nửa cuối năm 2024.
Shearer kỳ vọng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý II/2024 và lãi suất thực tế của Mỹ giảm sẽ là “động lực quan trọng” đối với vàng. Theo Shearer, giá vàng trung bình sẽ đạt khoảng 2.175 USD/ounce vào quý IV/2024. Vàng sẽ còn tăng cao hơn nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
"Suy thoái càng sâu, FED sẽ càng phải tích cực cắt giảm lãi suất, điều này sẽ hỗ trợ cho vàng", Shearer lưu ý.
Về dài hạn, Michael Lee, Người sáng lập Michael Lee Strategy, mới đây dự báo vàng có khả năng sẽ chạm mốc 5.000 USD/ounce trong 3 năm tới khi nền kinh tế đầu tầu thế giới phải đối mặt với lạm phát cao và suy thoái kinh tế trầm trọng.