Chỉ giảm lãi suất chưa đủ giải tỏa ách tắc dòng vốn (module này đang phát triển)
Pháp luật
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.
Trên thực tế, trong suốt thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai rất nhiều giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.
Trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trả lời đề nghị của cử tri tỉnh Thanh Hoá về NHNN chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, NHNN cho biết, thời gian qua bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và đồng bộ các chương trình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV, tiếp cận vốn.
Cụ thể, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5- 2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NHNN cũng quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV ở mức 4%/năm. Đồng thời, NHNN cũng kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các TCTD yêu cầu triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng để vận động TCTD hội viên tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay; Chỉ đạo các TCTD đổi mới quy trình, đơn giản hoá thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình, gói tín dụng phù hợp cho DNNVV...
Theo thống kê, đến nay lãi suất cho vay được các NHTM giảm khá mạnh, nhiều loại hình tín dụng, nhiều đối tượng doanh nghiệp được giảm sâu từ 2-3%/năm so với mức lãi suất cũ, một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất rất thấp cho những đối tượng khách hàng, trong lĩnh vực nhất định. Chuyên gia nhận định, với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất, NHNN cho rằng, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Theo CTCK Vndirect, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong những tháng tới do chi phí vốn của các NHTM đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN và NHNN ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
"Chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những tháng tới; và đây sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân", chuyên gia phân tích của Vndirect kỳ vọng.
Mặt bằng lãi suất giảm thêm sẽ giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới là hoàn toàn phù hợp dựa trên cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu trước bối cảnh thị trường khó khăn. Vì khi kinh tế khó khăn, thị trường thu hẹp, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, doanh nghiệp không mở rộng sản xuất mà chỉ duy trì hoạt động cầm chừng. Cho nên dù mặt bằng lãi suất có giảm mạnh tín dụng cũng khó có thể tăng đột biến.
Trong khi đó, nếu giảm lãi suất quá nhanh lại sẽ gia tăng mức chênh lệch giữa lãi suất trong nước và quốc tế, nhất là với lãi suất USD của Mỹ thì áp lực lên tỷ giá là khó tránh. Mà Việt Nam đã ngược dòng giảm lãi suất trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Do đó, việc giảm lãi suất cần thực hiện thận trọng, gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, cần phải bàn và phân tích kỹ thực trạng phát triển cũng như cấu trúc của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam hiện nay để nhận diện đúng và có biện pháp xoay chuyển. Vấn đề then chốt đối với doanh nghiệp hiện nay là khơi thông thị trường. Vì thị trường tắc thì không lĩnh vực nào, kể cả tín dụng thông được.
Trong bối cảnh lãi suất không phải là vấn đề cốt lõi, các chuyên gia cho rằng, cần phải triển khai đồng bộ các chính sách và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp. Cụ thể, các bộ, ngành địa phương cần có giải pháp tổng thể, trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tăng cầu nội địa về hàng hoá, tiếp tục thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Về phía NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, tỷ giá, an toàn hệ thống, tạo môi trường ổn định cho hoạt động của nền kinh tế.