Từ 15/9, CSGT được mặc thường phục xử lý vi phạm: Có 1 trường hợp đặc biệt người dân cần lưu ý (module này đang phát triển)
Thời trang
( PHUNUTODAY ) - Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ CSGT mặc thường phục.
Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT). Đặc biệt, thông tư nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ CSGT mặc thường phục.
CSGT mặc thường phục được phối hợp xử lý vi phạm giao thông
Theo Điều 11, tổ CSGT được bố trí một bộ phận cán bộ mặc thường phục, phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Trong đó, bộ phận cán bộ mặc thường phục có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi phát hiện vi phạm, cán bộ mặc thường phục phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm, làm thiệt hại đến tài sản, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm. Sau đó, thông báo và phối hợp với cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng về trụ sở cơ quan Công an gần nhất để giải quyết.
Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang tức mặc thường phục là phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được cấp có thẩm quyền ban hành. Ngoài ra, bộ phận cán bộ mặc thường phục và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai phải giữ một khoảng cách thích hợp.
Cần người làm chứng khi người vi phạm giao thông không chịu ký biên bản
Điều 20 Thông tư 32/2023/TT-BCA còn nêu rõ, trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm thì Tổ trưởng Tổ CSGT mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 1 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản. Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì cán bộ CSGT phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận vụ việc và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt.
Như vậy, khi áp dụng xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản mà người vi phạm không chịu ký thì Tổ trưởng Tổ CSGT mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 1 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản.
Những trường hợp nào Cảnh sát giao thông được dừng xe
Từ 15/9/2023, CSGT tuần tra sẽ được dừng xe kiểm soát trong 4 trường hợp:
+ Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
+ Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe cộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
+ Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
+ Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.