Trường hợp người lao động được nhận thêm một khoản tiền thay cho đóng BHXH (module này đang phát triển)
Thời trang
( PHUNUTODAY ) - Người lao động đi làm đều được doanh nghiệp đóng bảo BHXH bắt buộc, nhưng cũng có một số trường hợp thay vì đóng BHXH, doanh nghiệp sẽ trả cho người lao động một khoản tiền tương đương.
Có 6 trường hợp nhận tiền thay cho việc đóng BHXH
Khoản 1 Điều 168 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nếu thuộc đối tượng tham gia.
Theo khoản 3 Điều này, trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì được giải quyết quyền lợi như sau: Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì sẽ được doanh nghiệp thanh toán thêm một khoản tiền tương đương với tiền mà doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho người lao động.
Căn cứ khoản 4 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017, có 6 trường hợp sẽ được nhận tiền thay cho việc đóng BHXH: Người giúp việc gia đình; Người lao động đi làm nhưng đang hưởng lương hưu hằng tháng; Người lao động đi làm nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ cấp xã tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP; Người lao động đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; Người lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2010; Người động là Quân nhân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định 38/2010/QĐ-TTg, Quyết định 53/2010/QĐ-TTg, Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.
Lưu ý, nếu không thuộc các trường hợp trên mà thỏa thuận nhận tiền thay cho đóng bảo hiểm, cả người lao động và người sử dụng lao động đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Trong đó, người lao động bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP). Người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 12% - 15% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng (theo điểm c, khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Cách tính và số tiền được nhận thay
Theo hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, hằng tháng, người lao động sẽ phải trích đóng bảo hiểm với các tỉ lệ nhất định của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc:
Hưu trí-tử tuất | Ốm đau-thai sản | Tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp | Bảo hiểm thất nghiệp | Bảo hiểm y tế |
14% | 3% | 0,5% hoặc 0,3% | 1% | 3% |
Tổng = 21,5% hoặc 21,3% |
Với bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp có đủ điều kiện đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận thì được đóng mức 0,3% (theo điểm b, khoản 1 Điều 4, Điều 5 Nghị định 58/2020/NĐ-CP). Còn lại đều phải đóng 0,5%.
Như vậy, nếu không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc để doanh nghiệp đóng bảo hiểm, người lao động sẽ được nhận tiền số tiền như sau: Số tiền thay cho đóng BHXH = (bằng) 21,5% hoặc 21,3% x (nhân) tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Trong đó, theo khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động bao gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh; Các khoản phụ cấp lương bù đắp về điều kiện lao động, độ phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương trong hợp đồng chưa được tính đến hoặc có tính nhưng chưa đầy đủ; Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể và được chi trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.