Tổng giám đốc May 10: Ngành dệt may đang chuyển từ trạng thái "giật gấu vá vai" sang "đủ ăn đủ mặc" (module này đang phát triển)
Văn hóa
Liệu có điểm chung nào giữa cổ phiếu, thị trường chứng khoán và… thời trang? Thắc mắc trên sẽ được giải đáp tại Bí mật đồng tiền mùa 2, số 27 với chủ đề "Ăn no mặc ấm".
Chứng khoán Việt Nam đang có những bước giằng co và phân hóa. Những nhịp điều chỉnh quan trọng đã diễn ra, song VN-Index vẫn đang trên đà hồi phục trở lại mạnh mẽ, củng cố xu hướng uptrend trung hạn.
Tại chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2, số 27, BTV Hoàng Nam cho biết số lượng tài khoản mở mới trong tháng 8 vượt trội so với tháng 7 trước đó và cũng là mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm qua. BTV Hoàng Nam nhận định điều này sẽ đưa nhóm cổ phiếu chứng khoán hưởng lợi trực tiếp về mặt tăng trưởng khi số lượng tài khoản mở mới kéo theo thanh khoản tăng cao như hiện nay.
Bình luận về ý kiến này, Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI quan sát rằng các công ty chứng khoán hồi đầu năm xây dựng kế hoạch dựa trên mức thanh khoản thấp khi thị trường đã trải qua nhịp giảm mạnh cuối năm 2022. Tuy nhiên, hiện tại có thể thấy rằng thanh khoản năm 2023 nhiều khả năng không thấp hơn năm 2022.
Việc thanh khoản bất ngờ tăng vọt đã có tác động khả quan hơn tới dự báo về lợi nhuận của các CTCK. Bên cạnh đó, Mr. X30 chỉ ra một số kỳ vọng khác tới từ hệ thống mới KRX và cả câu chuyện nâng hạng ở Việt Nam, tuy các câu chuyện này còn cần nhiều thời gian để xem xét.
"Khi nhà đầu tư kỳ vọng vào các thông tin trên, mức thanh khoản thị trường sẽ còn có thể cao hơn 1 tỷ USD, và điều này dẫn đến định giá thị trường không còn rẻ. Song, vẫn cần lưu ý về yếu tố lãi suất, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm liên tục, định giá hiện tại nhìn chung không phải quá bất hợp lý", kinh tế trưởng SSI cho hay.
Xu hướng ESG và ngành dệt may
Một vị khách mời đặc biệt xuất hiện tại chương trình là ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May10. Chia sẻ về ngành dệt may, ông Việt bộc bạch: "Ngành dệt may trong hơn 30 năm nay đã xuất khẩu các đơn hàng đi khắp các thị trường như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, năm 2023 đánh dấu một năm khó khăn khi những đơn hàng chúng tôi phải 'giật gấu vá vai' liên tục trong suốt 8 tháng vừa qua. Dù vậy, thời điểm hiện tại đang chuyển dần chuyển sang trạng thái đủ ăn, đủ mặc".
Bên cạnh đó, ông Việt cũng cho biết thêm dệt may Việt Nam luôn nằm vị trí thứ 2 và thứ 3 về xuất khẩu trên toàn cầu. Việc ký kết chiến lược toàn diện giữa 2 chính phủ Việt – Mỹ, là cơ hội rất tốt cho xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng sẽ có sự tăng trưởng trong thời gian tới vào thị trường Mỹ.
Theo Host Dương Ngọc Trinh, câu chuyện ESG hay gần hơn là Net Zero (phát thải ròng bằng 0) là vấn đề mà các doanh nghiệp dệt may đặc biệt xuất khẩu trên thị trường khó tính EU. Host Ngọc Trinh đặt câu hỏi rằng doanh nghiệp dệt may cần chuẩn bị gì cho xu hướng xanh ESG?
Giải đáp thắc mắc trên, vị Tổng giám đốc May10 nhìn nhận rằng ESG hay sản xuất xanh được ngành dệt may tiếp cận khá sớm, các nhãn hàng lớn như H&M, Zara,... cũng đã có lộ trình rõ ràng về câu chuyện chỉ tiêu thụ sản phẩm xanh. Rộng hơn, khái niệm ESG bao gồm cả trách nhiệm với môi trường, xã hội và có tính bao trùm.
Riêng đối với May10, ông Việt chia sẻ rằng doanh nghiệp đã có thời điểm 2 năm trở lại đây triển khai rất mạnh mẽ, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo bằng cách xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái; đến những lò hơi chuyển sang đốt bằng điện và nhiên liệu sinh khối không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, ông Việt tiết lộ tỷ trọng sản phẩm có nguồn gốc từ sợi tái chế hiện nay ở May10 đang tăng lên bằng lần trong nhiều năm qua.