Danh tính người Việt Nam duy nhất có thể sống ở sao Hỏa nốt phần đời còn lại (module này đang phát triển)
Bản tin 247
Trải qua các vòng thi gắt gao, chàng thạc sĩ người Việt Vũ Xuân Linh đã trở thành người Việt Nam duy nhất lọt top 100 người đi tiếp vào vòng 3 trong hành trình chọn người lên sao Hỏa sống.
Theo đó, chàng thạc sĩ này là Vũ Xuân Linh (tên thường gọi là Quốc Anh), sinh năm 1982, quê ở Thái Bình. Anh là cựu sinh viên của lớp Kỹ sư tài năng K46 ĐH Bách Khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học 1 năm, Quốc Anh nhận học bổng toàn phần của chính phủ Singapore và theo học ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Sau đó, anh học tiếp lên thạc sĩ công nghệ thông tin ở Đại học Columbia New York, Hoa Kỳ.
Sau khi ra trường, Quốc Anh làm việc ở một số công ty phần mềm, internet ở Singapore và Mỹ. Sau đó, anh bắt đầu khởi nghiệp về công nghệ thông tin đồng thời dành thời gian thực hiện nhiều chuyến đi ở Mỹ và Nam Mỹ. Đến năm 2013, anh về Việt Nam và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ngay khi biết được thông tin tuyển dụng của “Mars One” - một dự án phi lợi nhuận có thể nói là táo bạo nhất lịch sử nhân loại, Quốc Anh không ngần ngại mà đăng ký tham gia ngay. Được biết chương trình Sao Hỏa - Mars One sẽ tìm ra 4 người bản lĩnh nhất thế giới để lên sao Hỏa sống nốt phần đời còn lại.
Đối với Quốc Anh, đây thực sự là một cơ hội hiếm có dành cho anh nói riêng và người Việt Nam nói chung. Bởi lẽ thông thường, chỉ có công dân Mỹ mới được làm việc cho NASA và các dự án vũ trụ. Tuy nhiên, Mars One lại không phân biệt quốc tịch, dân tộc.
Và để lọt vào top 100 người có cơ hội mang lá cờ đỏ sao vàng lên sao Hỏa, Quốc Anh đã phải trải qua những “cuộc chiến” vô cùng gay gắt.Ở vòng đầu tiên, anh chàng phải thuyết phục được ban giám khảo về lý do mình tham gia chương trình bằng một đoạn clip ngắn, trong đó thể hiện được sự quyết tâm, lòng can đảm khi đương đầu với chặng đường được gọi là “hành trình tự sát” phía trước.
Ở vòng 2, Quốc Anh cùng với 1057 đối thủ sẽ phải trải qua các bước kiểm tra sức khỏe gồm: chiều cao, cân nặng, vận động tay chân, các bệnh tim phổi, mắt, bệnh truyền nhiễm…
Cuối cùng, Quốc Anh đã vinh dự lọt vào top 100 người được đi tiếp vào vòng 3 và chọn ra 4 người đầu tiên được lên sao Hỏa định cư vào năm 2023 trên chiếc phi thuyền “một đi không trở lại”.
100 người này sẽ được phân đều cả nam và nữ, trong đó có 39 người Mỹ, 31 người từ châu Âu, 16 người châu Á, 7 người đến từ châu Phi và 7 người ở châu Đại Dương.
Dự kiến, vòng 4 của chương trình sẽ chọn ra 24 người, chia làm 6 đội và trải qua các quy trình tập luyện khắc nghiệt trong vòng 8 năm. Đội xuất sắc nhất sẽ được lên sao Hỏa.
Chia sẻ về dự án Mars One, Quốc Anh tiết lộ rằng: “Ở vòng cuối cùng, một trong các chương trình thử nghiệm sẽ là cách ly các ứng viên một thời gian dài định kỳ mỗi năm trong môi trường sống khép kín, biệt lập, có thể là dưới lòng đất, ở Nam Cực, giữa sa mạc... Nhóm xuất sắc nhất trong 6 nhóm cuối cùng sẽ được chọn là 4 người đầu tiên (2 nam, 2 nữ) xuất phát đi sao Hỏa”.
Anh khẳng định, việc quyết tâm lên sao Hỏa không phải là một phút cao hứng mà hoàn toàn nghiêm túc, là ước mơ của anh. Với Quốc Anh, trở ngại lớn nhất chính là các ứng viên lên “hành tinh đỏ” chỉ có tấm vé 1 chiều, ở lại mãi mãi, không được quay về Trái đất. Tuy nhiên, đây cũng chính là một yếu tố thuyết phục Quốc Anh chinh phục nhất.
Quốc Anh cũng tiết lộ về phản ứng của gia đình rằng : “Bố mẹ mình khi biết mình được vào vòng 2 thì tá hỏa lên, chị mình thì ủng hộ ước mơ của mình, còn vợ thì hiện vẫn chưa… cấm, bạn bè đa phần là hứng thú và tò mò”.
Bên cạnh đó, anh chàng cũng tiết lộ rằng, những người tham gia vào chuyến bay này tức là họ đã dám chấp nhận cái chết, chấp nhận rủi ro: “Những người tham gia Mars One đều có chung khát vọng và cơ hội để làm điều táo bạo, lớn lao”.
Nếu có cơ hội được trở thành 1 trong 4 thành viên lên sao Hỏa sống, Quốc Anh và các thành viên còn lại sẽ phải sống trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, cách Trái đất hơn 50 triệu km với nhiệt độ trung bình dưới 0 độ C.
Họ sẽ cùng nhau trồng lương thực, tìm cách tồn tại trên hành trình này đồng thời chăm sóc hệ sinh thái nhân tạo, thực hiện các nghiên cứu khoa học, tìm khoáng sản, nguồn năng lượng. Họ vẫn có thể liên lạc với Trái Đất 24/7 qua Internet, tuy nhiên, việc này sẽ chậm hơn một chút bởi khoảng cách từ sao Hoả về Trái Đất là 7 phút ánh sáng.