Hy hữu: Bé gái chào đời với 24 ngón tay chân (module này đang phát triển)
Phong thủy
Trường hợp bé gái chào đời với bàn tay phải 7 ngón, chân phải và tay trái có tận 6 ngón được xem là vô cùng hiếm gặp ở trẻ sơ sinh.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Thành phố Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận một ca sinh vô cùng đặc biệt. Cụ thể, một bé gái tên Trang chào đời với bàn tay phải có tới 7 ngón, bàn tay trái và chân phải của bé có 6 ngón, bé gái được xác định là dị tật bẩm sinh di truyền.
Cả hai ngón tay út của bé gái này đều xuất hiện mẩu thịt nhỏ trông giống với ngón tay thừa, ngón cái của bàn tay phải cũng bị chẻ ra làm đôi. Bàn chân phải của bé có tới hai ngón chân cái, trong khi ngón cái và ngón trỏ của bàn chân trái thì lại dính vào nhau. Qua quan sát, bé gái có tổng cộng 24 ngón trên hai bàn tay và hai bàn chân.
Theo BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng - chuyên khoa Ngoại Nhi - Ngoại Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ, hiện tượng thừa ngón tay hoặc ngón chân là dị tật bẩm sinh phổ biến, chiếm tỷ lệ 1/1.000 trẻ sinh ra. Nhưng tỷ lệ thừa ngón chân chỉ chiếm 0,4 trên 10.000 bệnh nhân. Vì vậy trường hợp thừa cả hai bàn tay và bàn chân như bé gái trên là rất hiếm. Theo đó, bác sĩ chẩn đoán bé gái mang gene bệnh dị tật di truyền từ khi còn là bào thai.
Bé gái hiện đã được 7 tháng tuổi, vừa phẫu thuật cắt bỏ những ngón thừa, tạo hình ngón tay để bé có thể cầm nắm dễ hơn. Hai ngón chân trái dính vào nhau cũng đã được tách rời, vì trục xương chân của bé không bị biến dạng nên các bác sĩ chưa can thiệp nắn chỉnh.
Được biết, bé gái đã tỉnh táo sau ca phẫu thuật thành công, đã có thể bú sữa và được xuất viện hai ngày sau đó. Ngoài ra, bé gái sẽ được theo dõi thông qua các lần tái khám theo lịch, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho gia đình theo dõi sự phát triển tứ chi của bé tại nhà để đảm bảo các chức năng cầm nắm, vận động của bé.
Cũng theo bác sĩ Trọng cho biết, nguyên nhân khiến trẻ thừa và dính ngón tay, chân phổ biến nhất là do di truyền, tức là bất thường về gene ngay trong giai đoạn còn là bào thai. Nếu người mẹ bị thừa ngón tay, chân hoặc thừa cả hai (gene trội) thì người con có khả năng cao cũng mắc dị tật này.
Bên cạnh đó, không chỉ yếu tố di truyền, người mẹ khi đang mang thai sử dụng thuốc lá, uống nhiều chất có cồn như rượu bia, thai phụ mắc các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, cúm, rubella… có khả năng cao trẻ sinh ra mắc dị tật thừa ngón.
Hiện nay, dị tật thừa và dính ngón có thể phát hiện ngay từ giai đoạn còn là bào thai ở tuần thứ 18 - 21 bằng phương pháp siêu âm hình thái học thai nhi.
Phẫu thuật là được cho là phương pháp duy nhất để điều trị dị tật thừa ngón. Các chuyên gia khuyến khích trẻ nên được phẫu thuật ở giai đoạn trước 12 tháng tuổi để đảm bảo tính thẩm mỹ và bảo tồn chức năng của ngón cái. Đặc biệt, phẫu thuật cho trẻ sớm sẽ tránh ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi nhận thấy bản thân khác biệt so với bạn bè.
Để phòng ngừa nguy cơ trẻ sinh ra mắc dị tật thừa ngón, 6 tháng trước khi mang thai và đang trong thai kỳ, thai phụ tuyệt đối tránh uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích. Thai phụ cần nên tiêm ngừa đầy đủ và bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.