Số phận bi thương của 2 phi tần trong hậu cung hoàng đế Càn Long (module này đang phát triển)
Văn hóa
( PHUNUTODAY ) - Trong suy nghĩ của nhiều người, phi tần có cuộc sống sung túc. Nhưng thực tế không phải như vậy, nhất là sau khi hoàng đế qua đời.
Uyển Quý Thái phi Trần Thị
Uyển Quý phi (1716 – 1807) vốn dĩ mang họ Trần, sử sách Trung Quốc gọi bà là Trần Thị.
Bà vào cung năm 15 tuổi lúc Càn Long còn chưa đăng cơ. Lúc này thân phận của bà là thị thiếp và cũng là một trong những người phụ nữ ở bên cạnh Càn Long sớm nhất.
Sau khi nhập cung, bà ở trong cung một mạch hơn 70 năm. Do là người Hán nên địa vị của Trần Trị trong hậu cung không được cao.
Khi Càn Long lên ngôi, bà cũng chỉ được phong làm Thường tại – một tước hiệu dành cho nữ quan nhà Minh, đến đời nhà Thanh thì trở thành một cấp bậc thấp của phi tần.
Sau đó một năm, Trần Thị mới được phong làm Quý nhân. Hơn chục năm sau đó bà cũng không được tấn thăng địa vị thêm một lần nào nữa. Điều đó cho thấy bà không hề được Càn Long sủng ái.
Năm Càn Long thứ 14 (1749), sau khi Hoàng hậu Phú Sát Thị và Tuệ Hiền Hoàng Quý phi lần lượt qua đời, thê thiếp trong hậu cung không còn lại là bao, Càn Long mới chiếu cố phong cho Trần Thị làm Uyển tần, làm chủ hậu cung.
Uyển phi dù được phong thưởng nhưng việc này hoàn toàn không xuất phát từ tình cảm mà hoàng đế dành cho bà. Chẳng qua đây là một sự an ủi mà Càn Long muốn thể hiện ra ngoài mà thôi.
46 năm tiếp theo bà vẫn chỉ là “tần”. Đã qua thời tuổi trẻ, Uyển tần không còn kiều diễm như trước. Tới năm 79 tuổi, khi đã là một bà lão già nua, Uyển tần mới được tấn thăng lên làm Uyển phi.
Sau khi Càn Long băng hà, bà cũng đã 84 tuổi. Gần cả đời người chôn vùi trong hậu cung lạnh lẽo, không nhận được sự quan tâm của vua. Bà được công nhận là phi tử có thời gian ở cạnh Càn Long lâu nhất. Bà được phong là Uyển Quý Thái phi, trở thành người tôn quý nhất trong hoàng thất nhà Thanh.
6 năm sau bà qua đời ở tuổi 90, không con cái.
Dĩnh Quý Thái phi
Dĩnh Quý Thái phi Ba Lâm Thị (1731-1800) là một trong những phi tần có tuổi thọ cao của Càn Long. Năm Càn Long thứ 13 (1748) bà vào cung thông qua quá trình tuyển tú.
Là người Mông Cổ nên vừa vào cung bà đã được phong ngay làm Thường tại. Dưới thời nhà Thanh, nếu là phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc người Mãn hoặc Mông Cổ, sau khi vào cung sẽ được ban ngay địa vị cao quý hơn vị trí này. Nên từ việc được phong hàm Thường tại cho thấy xuất thân của Ba Lâm Thị cũng tương đối bình thường.
Nhưng tháng 4 cùng năm, bà được phong làm Quý nhân. 3 năm ở bên cạnh Hoàng đế tuy không sinh được con nhưng nhờ được Càn Long sủng ái bàn được tấn thăng lên làm Dĩnh tần.
Năm Càn Long thứ 24, Dĩnh tần được phong làm Dĩnh phi. Tuy nhiên, liên tục 39 năm sau đó, địa vị của bà không có thêm bất kỳ sự thay đổi nào, nguyên nhân cũng không được ghi chép trong lịch sử. Khi Càn Long thoái vị, Dĩnh phi ở tuổi 68 mới được phong làm Quý phi.
Sau khi Càn Long qua đời bà được tấn thăng làm Dĩnh Quý Thái phi. Bà cùng Uyển Thái Quý phi sống trong cung Thọ Khang của Hoàng thái hậu. Do trong cung không có Thái hậu nên họ trở thành hai người phụ nữ lớn tuổi nhất, có thâm niên nhất chốn hậu cung.
Năm Dĩnh Quý Thái phi đại thọ 70 tuổi, con nuôi của bà là Hoàng tử Vĩnh Lân đã lên kế hoạch, tổ chức cho bà một lễ thượng thọ long trọng. Thế nhưng vua Gia Khánh, người nối ngôi Càn Long cho rằng Vĩnh Lân đang không coi mình ra gì nên đã lớn tiếng giáo huấn chỉ trích, buổi lễ thượng thọ vì vậy cũng không được trọn vẹn.
Vì quá lo lắng, sợ hoàng đế sẽ gây khó dễ cho con trai nuôi của mình nên 20 ngày sau bà đã qua đời.
Không chỉ riêng 2 vị phi tần này, đa số phụ nữ trong hậu cung của hoàng đế đều có kết thúc bi kịch. Lý do là họ không thể tự làm chủ cuộc đời mình. Ở một số triều đại phong kiến Trung Quốc, sau khi hoàng đế qua đời, phi tần còn phải tuẫn táng cùng, cuộc đời kết thúc trong đau khổ, vô vị.
Những người được may mắn sống tiếp sau khi vua băng hà thì cả cuộc đời còn lại chỉ loanh quanh chốn hậu cung, sống nốt quãng đời còn lại trong cô độc.