Phòng ngừa và xử trí điện giật tại nhà (module này đang phát triển)
Tin tức văn hóa
Điện giật là một tai nạn sinh hoạt thường gặp, đặc biệt là ở trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên có cách phòng ngừa và xử trí khi bị điện giật tại nhà cho trẻ.
Điện giật là một tai nạn sinh hoạt thường gặp, đặc biệt là ở trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên có cách phòng ngừa và xử trí khi bị điện giật tại nhà cho trẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh), dòng điện khi đi qua cơ thể làm cho nạn nhân bị chóng mặt, khó thở, thậm chí tim ngưng đập. Ngoài ra, dòng điện còn gây ra những vết phỏng da ở nơi tiếp xúc.
Dòng điện xoay chiều làm co cơ, làm nạn nhân bị dính chặt không thể thoát ra khỏi nguồn điện. Nguyên nhân bị điện giật là do công tắc điện bị hỏng, ướt nước, dây điện tróc vỏ bọc hoặc sờ vào ổ cắm điện, chỗ nối bị bong tróc.
Về cách sơ cứu, bác sĩ Tiến cho hay, cắt nguồn điện ngay bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện.
Nếu không với tới được dây điện hoặc công tắc, đứng trên vật khô cách điện như hộp gỗ, tấm cao su hay nhựa, dùng cây hay cán chổi, chiếc ghế đẩu đẩy tay chân nạn nhân ra khỏi nguồn điện.
Không được sờ vào nạn nhân nếu nạn nhân chưa tách khỏi nguồn điện.
Sau khi đã ngắt điện, nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở, mạch đập và cấp cứu ấn tim, thổi ngạt khi có ngưng thở, ngưng tim. Nếu nạn nhân gần như bình thường, không bị thương tích, khuyến cáo nạn nhân nghỉ ngơi. Tiếp tục theo dõi và nếu thấy nghi ngờ, gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện.
Tránh chạm tay trực tiếp kéo nạn nhân ra trong khi nguồn điện chưa bị ngắt. Nếu có vết bỏng, không bóc phần da chết hoặc làm bể các vết bỏng. Không dùng đá lạnh, thuốc sứt kem hoặc mỡ bôi vào vết bỏng.
Về cách phòng ngừa, hạn chế trang trí đèn nhấp nháy hoặc để ở xa tầm với trẻ. Bên cạnh đó, các dây điện bị nứt vỏ bọc phải được thay hoặc băng kín cách điện. Các ổ điện được che kín bằng các nút nhựa an toàn. Đồng thời, chú ý mắc điện an toàn.
Thanh Thanh