Nước luộc thịt đổ đi quá phí, dùng nấu canh siêu nhanh gọn, lại ngon ngọt, đậm vị: Rất nhiều người đang lãng phí (module này đang phát triển)
Sống Khỏe
( PHUNUTODAY ) - Một số người bận bịu thường coi luộc thịt là "giải pháp" 2 trong 1 khi lấy nước luộc thịt nấu canh. Vậy dùng nước luộc thịt để nấu canh có tốt không, hãy lắng nghe ý kiến chia sẻ của các chuyên gia.
Một số người bận bịu thường coi luộc thịt là "giải pháp" 2 trong 1 khi lấy nước luộc thịt nấu canh. Giải pháp này có ưu điểm siêu nhanh mà món canh lại ngon, ngọt, đậm vị. Vậy dùng nước luộc thịt để nấu canh có tốt không, hãy lắng nghe ý kiến chia sẻ của các chuyên gia.
Dùng nước luộc thịt nấu canh có tốt không?
Lâu nay phần lớn mọi người vẫn cho rằng, dùng nước luộc thịt nấu canh là cách tận dụng nguồn dinh dưỡng tiết ra từ thịt. Tuy nhiên cũng không ít người lo ngại, liệu dùng nước luộc thịt nấu canh có tốt không, an toàn không khi trong nước này có thể tồn dư hóa chất và cặn bẩn.
Theo tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu, nước luộc thịt có các chất dinh dưỡng, nhưng cũng có thể chứa chất bẩn. Khi luộc thịt, nước có chất béo nổi lên, đó là chất đạm; khi uống nước này cũng thấy có vị ngọt, đó là protein. Do vậy, nước luộc thịt chắc chắn có dinh dưỡng, nên cho rau vào luộc hay nấu canh là hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, miếng thịt mua ngoài chợ về thường sẽ có tạp chất bám ở phía ngoài, nếu không được rửa sạch thì khi dùng nước luộc, chúng ta sẽ ăn phải cặn bẩn.
Vậy dùng nước luộc thịt nấu canh có tốt không? Câu trả lời là tốt nếu bạn mua được thịt sạch, sơ chế đảm bảo vệ sinh. Nếu bạn mua phải thịt lợn bệnh, ôi thiu, thịt lợn có hóa chất thì bản thân miếng thịt cũng đã độc hại chứ không riêng gì nước luộc.
Để loại bỏ cặn bẩn ở miếng thịt, giải pháp thường được áp dụng là chần qua thịt để chất bẩn theo bọt tiết ra ngoài, sau đó rửa lại miếng thịt rồi luộc lại cho đến khi chín. Với cách này, dinh dưỡng có hao hụt chút ít, nước luộc bớt ngọt nhưng chất lượng vệ sinh sẽ cao hơn. Ngoài ra, những người thừa cân, muốn giảm béo nên hạn chế dùng nước luộc thịt ba chỉ, vì chất béo sẽ thôi ra nước khá nhiều trong quá trình luộc.
Cách nhận biết thịt lợn ngon, an toàn
Bạn có thể xác định miếng thịt mình định mua có tươi ngon và an toàn không bằng cách quan sát phần mỡ và phần nạc của nó. Với miếng thịt heo ngon, hai phần này thường dính chặt vào nhau, không lỏng lẻo hay bị tách rời.
Ngoài ra, quan sát màu sắc và mùi của thịt cũng là một cách để nhận biết thịt lợn ngon, sạch hay không. Nếu bạn thấy phần nạc có màu từ hồng nhạt đến đỏ thẫm, ngửi thấy mùi thơm của thịt thì đó là miếng thịt ngon.
Độ đàn hồi cũng là một yếu tố để xem xét thịt có ngon hay không. Thịt lợn tươi ngon, vừa được giết mổ sẽ có độ đàn hồi rất cao. Vì thế, khi đi mua thịt, bạn có thể ấn vào miếng thịt, nếu nó lõm xuống rồi trở lại trạng thái ban đầu sau khi bạn nhấc tay ra thì đó là miếng thịt nên chọn.
Dấu hiệu nhận biết thịt lợn bệnh
Bên cạnh những đặc điểm nhận dạng thịt lợn tươi ngon, bạn cũng cần tìm hiểu thêm về những dấu hiệu cho thấy thịt lợn đang mắc bệnh, giúp bạn lựa chọn được những miếng thịt tươi ngon nhất. Một số đặc điểm nhận dạng cơ bản như:
- Thịt lợn đã có mùi tanh hôi, ôi thiu gây khó chịu khi ngửi phải, bề mặt thịt chạm vào thấy nhớt và thịt có màu sắc lạ.
- Trên bề mặt lớp da lợn xuất hiện các đốm lạ với màu sắc khác nhau, có thể là các đốm đỏ, đốm màu xanh tím hay màu son với kích thước khác nhau.
- Quan sát thấy các vết tụ máu lớn, vết bầm tím hay các vết xuất huyết lấm tấm trên da, đây là dấu hiệu cho thấy lợn bị thương hàn hay bị tụ huyết trùng.
- Khi cắt thử thịt lợn thấy bên trong thịt có những hạt nhỏ mang hình dáng như hạt gạo, loại này được gọi là ấu trùng sán, là một loại giun sán gây nguy hiểm cho cơ thể nếu dùng phải.
- Những miếng thịt có màu sắc nhợt nhạt, thịt nhão mềm, chạm vào chảy dịch, càng rửa thì màu càng nhạt và có mùi tanh hôi thì đây là thịt đã bị ướp qua hàn the.
- Dưới da hoặc trên vành tai xuất hiện các đốm đỏ li ti, lấm tấm như vết muỗi đốt là do thịt lợn bị tả.
- Thịt lợn bị nhiễm màu vàng là biểu hiện của bệnh viêm gan.