Cậu học trò nghèo vượt 1500km đi làm công nhân, kiếm tiền để học đại học (module này đang phát triển)
Giải trí
Để có tiền đi học đại học, Lâm đã xin làm công nhân thời vụ. Ngày đầu đến xin làm, Lâm được hỏi rằng: “Có thức đêm được không?”. Cậu học trò không ngần ngại gật đầu và được nhận vào làm.
Lò Văn Lâm là cựu học sinh của lớp 12E, trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2023, cậu đã đạt 24 điểm và trúng tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM.
Chia sẻ về niềm vui khi đỗ đại học, Lâm tâm sự rằng: “Suốt 12 năm qua, em chưa bao giờ có ý định từ bỏ việc học, dù hoàn cảnh nghèo khó. Hôm nhận tin trúng tuyển, em rất vui và xúc động, bởi giấc mơ vào giảng đường đại học đã thành hiện thực”.
Được biết, Lâm sinh ra ở xã Xuân Chinh, Thường Xuân, Thanh Hóa và là người dân tộc Thái. Cậu cao ráo, sáng sủa, khuôn mặt sáng. Thế nhưng, ít ai biết rằng, Lâm có tuổi thơ vô cùng cơ cực. Để có thể đến trường tìm con chữ, Lâm từng trải qua những tháng ngày vượt khó.
Kể từ khi mới sinh ra, Lâm đã thiếu đi hơi ấm của bố. Mẹ của cậu cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên phải vào Bình Dương làm việc. Lâm sống cùng bà ngoại.
Dù không gần mẹ nhưng Lâm không buồn tủi bởi mẹ cậu vẫn đều đặn gửi tiền về quê để lo cho cậu học hành. Lâm tâm sự với Báo Trí thức trẻ rằng: “Những năm trước, mẹ vẫn sắp xếp về thăm và động viên em vào dịp Tết. Nhưng, hơn 2 năm nay, điều kiện khó khăn nên mẹ ít về”.
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, Lâm nhớ lại, thời điểm học lớp 2 ở trường làng, cậu còn không có nổi một chiếc quần dài để đi học: “Em nhớ, chiếc quần đùi em mặc đến lớp ngày ấy cũng chằng chịt những đường chỉ cũ lẫn mới”.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nên Lâm luôn cố gắng để học hành. Cậu học trò xứ Thanh luôn “dặn mình cố gắng, được đến đâu hay đến đấy”.
Vừa rồi, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, Lâm ở nhà phụ giúp bà việc đồng áng rồi nhanh chóng bắt xe vào Bình Dương xin làm công nhân thời vụ cho một công ty sản xuất linh kiện điện tử.
Ngày đầu tiên đến xin làm việc, Lâm nhận được câu hỏi rằng: “Có thức đêm được không?”. Lâm không ngần ngại mà gật đầu ngay. Từ đó, cậu được nhận vào làm. Vị trí mà cậu làm việc khá vất vả, vừa phải làm ca đêm vừa phải đứng suốt 12 tiếng liên tục với đồ bảo hộ trùm kín người. Cậu tâm sự: “Những ngày đầu vì chưa quen việc, lại phải đứng liên tục trong nhiều giờ nên có lúc tưởng chừng như em sắp không chịu được. Thế nhưng, nghĩ tới khoản thù lao sẽ được nhận vào cuối tháng, em lại gắng gượng vượt qua. Ngày qua ngày, cố gắng thêm một chút, đến giờ thì quen rồi!”.
Sau hơn nửa tháng làm việc, Lâm đã nhận được khoản tiền lương đầu tiên là gần 2 triệu đồng. Cậu không dám tiêu xài gì mà dành dụm để đóng học phí khi vào đại học. Lâm tâm sự: “Khi nhận được khoản thù lao từ chính công sức của mình, em rất vui và quý trọng. Em nghĩ vào đại học, ngoài học phí còn phải mua sắm thêm sách vở, đồ dùng sinh hoạt cá nhân nên cũng không dám tiêu xài gì”.
Được biết, hiện Lâm đã đăng ký nhập học bằng hình thức trực tuyến. Sau một vài ngày nữa, cậu sẽ đến trường để nộp hồ sơ trực tiếp. Lâm cũng vừa xin nghỉ làm công ty.
Chia sẻ về mong ước trong tương lai, Lâm nói: “Em hy vọng được tiếp tục việc học hành. Sau này có kiến thức và kinh nghiệm sẽ tìm công việc phù hợp.
Em hứa sẽ cố gắng trở thành một công dân tốt, sống có ích cho xã hội. Và, cũng hy vọng sau này có công việc ổn định để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn như em. Bởi, em hiểu được cảm xúc và khát khao thường trực trong họ”.
Cô Phạm Thị Thanh Hà - giáo viên chủ nhiệm của Lâm cũng nhận xét rằng, cậu bạn có hoàn cảnh đặc biệt của lớp. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cậu luôn nỗ lực trong học tập. Cô Hà chia sẻ với Báo Trí thức trẻ rằng: “Điều đáng quý ở em còn là học sinh giàu lòng tự trọng. Dù cô giáo chủ nhiệm, các bạn trong lớp mong muốn được giúp đỡ, song em luôn muốn chia sẻ cho các bạn cũng có hoàn cảnh khó khăn như mình. Đặc biệt, ngay sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, Lâm đã bắt xe vào tận miền Nam để làm việc, mong muốn có thêm khoản tiền cho chặng đường đại học phía trước”.