Chi nhiều cho chiến sự, kinh tế Nga có thể gặp khó? (module này đang phát triển)
Tin kinh tế
(Dân trí) - Các chuyên gia ước tính chi phí quân sự của Nga trong năm nay có thể lên đến 300 tỷ USD. Nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, khủng hoảng tiền tệ có thể xảy ra và mức sống người dân giảm sút.
Tổng thống Vladimir Putin đã ký phê chuẩn một gói ngân sách, trong đó dành 4.980 tỷ ruble cho hoạt động quốc phòng năm 2023.
Tuy nhiên, theo Reuters, ước tính chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng hiện đã tăng gấp đôi lên 9.700 tỷ ruble. Số tiền này cao gần gấp 3 lần những gì Nga chi cho quốc phòng vào năm 2021.
Ông Richard Connolly, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh, cũng cho rằng chi tiêu quân sự của Nga trong năm nay sẽ vượt xa 100 tỷ USD.
Ông cho biết trước khi xảy ra xung đột, Nga thường chi khoảng 3-4% GDP hàng năm cho quốc phòng. Nhưng bây giờ con số này có thể chiếm 8-10% GDP lên đến 200 tỷ USD.
Ông Janis Kluge, thành viên cấp cao tại Viện an ninh và Quốc tế, thậm chí còn đưa ra ước tính gần 300 tỷ USD.
"Chi bạo" cho chiến sự cũng khiến thâm hụt ngân sách của Nga tăng mạnh. Không những vậy, các lệnh trừng phạt của phương Tây còn khiến doanh thu từ dầu khí của Nga trong 7 tháng đầu năm nay giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng trung ương Nga cho biết thặng dư thương mại liên tục lao dốc là một trong những nguyên nhân khiến đồng tiền nước này mất giá. Trong năm nay, giá đồng ruble đã giảm 30%.
Ông Kluge dự đoán đồng nội tệ của Nga có thể giảm xuống sâu hơn nữa. Ông cho biết nếu người dân mất lòng tin vào đồng nội tệ, họ sẽ bắt đầu đổi hết ruble sang ngoại tệ. Vòng lặp khi ấy có thể biến thành khủng hoảng tiền tệ ở Nga.
Không những vậy, các áp lực lên nền kinh tế Nga ngày càng lớn. Giá năng lượng đã giảm mạnh kể từ mức đỉnh năm ngoái. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính rằng doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 7 thấp hơn 4,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Ông Liam Peach, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho rằng để kinh tế Nga ổn định, giá dầu phải ổn định ở mức hiện nay.