Bamboo Airways còn 3.000 tỷ đồng dư nợ tại Sacombank (module này đang phát triển)
Tin kinh tế
Theo báo cáo của SSI Research, tính đến hết quý II, Bamboo Airways đang có khoản nợ hơn 3.000 tỷ đồng tại Sacombank, chiếm 0,7% tổng tín dụng.
Lo ngại khả năng hoạt động liên tục của Bamboo Airways
Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB), Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết tính đến hết quý II năm nay, dư nợ tín dụng của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Sacombank là 3.000 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng tín dụng.
Mặc dù khoản vay này có tài sản bảo đảm và Bamboo Airways vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn nhưng vẫn có một số lo ngại về việc tính hoạt động liên tục của hãng hàng không trên.
Cụ thể, Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ lũy kế khổng lồ là 17.600 tỷ đồng trong năm 2022 so với khoản lỗ 2.300 tỷ đồng năm 2021. Ngoài ra, tổng tài sản cuối năm 2022 giảm mạnh 33% so với đầu năm xuống còn 18.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là âm 836 tỷ đồng mặc dù vốn góp là 18.500 tỷ đồng. Trong năm 2022, các khoản phải trả của Bamboo Airways lên tới 18.800 tỷ đồng, trong đó tổng nợ là 10.600 tỷ đồng.
Ngày 19/8, Thủ tướng đã giao cho các bộ ngành liên quan hỗ trợ tái cơ cấu Bamboo Airways, theo đó Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp này thu xếp vốn bằng cách tạo điều kiện cho một ngân hàng phù hợp tham gia với tư cách cổ đông.
SSI Research đánh giá đây là trường hợp phức tạp và tiềm ẩn rủi ro tín dụng đối với Sacombank nếu Bamboo Airways thất bại trong việc tái cơ cấu.
Về dư nợ hiện tại của Sacombank, đơn vị phân tích cho biết nợ quá hạn tăng 41,6% so với quý trước đạt 13.500 tỷ đồng, trong đó nợ xấu và các khoản nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) lần lượt tăng 54%, lên mức 8.200 tỷ đồng và 26% so với quý trước, lên mức 5.300 tỷ đồng.
SSI cho rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh và hộ kinh doanh là nguyên nhân khiến nợ xấu Sacombank gia tăng. Theo đó, tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng lên 0,65% - mức cao nhất trong 3 năm qua, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống mức 77% trong quý II (so với 103,8% trong quý I).
Tổng dư nợ tái cơ cấu, theo Thông tư 02 (quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng) của Ngân hàng Nhà nước ở mức dưới 1.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng tín dụng của quý II. Nếu chất lượng tài sản tiếp tục xấu đi, SSI kỳ vọng số dư nợ tái cơ cấu sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2023.
Lên lộ trình xử lý khoản nợ 7.900 tỷ đồng liên quan đến KCN Phong Phú
Theo đơn vị phân tích, Sacombank đã tiếp tục tổ chức đấu giá bán KCN Phong Phú lần thứ 6 với giá khởi điểm là 7.900 tỷ đồng trong tháng 8. Thông tin chi tiết về thời hạn thanh toán được chia làm 3 giai đoạn.
Trong đó đến 31/12/2023 khách mua sẽ phải thanh toán 20% tương ứng 1.586 tỷ đồng. Giai đoạn 2, đến 31/12/2024 khách thanh toán tiếp 40% với lãi suất trả góp là lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, tương ứng 3.174 tỷ đồng. Giai đoạn 3, khách thanh toán 40% còn lại với mức lãi suất tương tự như đã nêu ở giai đoạn 2, tương ứng 3.174 tỷ đồng.
Với lộ trình thanh toán cụ thể, SSI nhận thấy quyết tâm của ban lãnh đạo trong việc xử lý tài sản này trong năm 2023. Nhóm phân tích kỳ vọng Sacombank sẽ nhận được 1.600 tỷ đồng từ việc bán KCN Phong Phú trong năm nay.
Ngoài ra, Sacombank cũng được kỳ vọng sẽ có thể thu về 2.500 tỷ đồng từ tài sản tồn đọng trong nửa cuối năm. Theo đó, tổng hoàn nhập dự phòng dự kiến là 4.100 tỷ đồng.
SSI cho biết trong quý II Sacombank cũng đã trích lập 438 tỷ đồng trái phiếu VAMC, giảm số dư ròng xuống còn 4.400 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết 80% số tiền cần phải thu tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng đang được phong tỏa trong tài khoản của VAMC mở tại Sacombank. Do đó, nếu Sacombank thu hồi được phần còn lại thì sẽ ghi nhận một khoản hoàn nhập dự phòng trong nửa cuối năm 2023.
Về 590 triệu cổ phần đang bị phong tỏa trong trái phiếu VAMC, SSI vẫn giữ quan điểm rằng Sacombank cần phải có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý tiền tệ về phương án giải quyết, vì số lượng cổ phần này chiếm hơn 30% quyền sở hữu của Sacombank.
Đơn vị phân tích lưu ý, việc xử lý số lượng cổ phần có thể làm phát sinh một số vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp nếu quyền sở hữu số cổ phần này được phân bổ cho quá nhiều nhóm nhà đầu tư khác nhau.
Theo Vĩ Quang
fica.dantri.com.vn