3 thách thức để TP Hồ Chí Minh phát triển kinh tế số (module này đang phát triển)
Tin kinh tế
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm 40% GRDP.
Các chỉ tiêu kinh tế số của TP Hồ Chí Minh cao hơn cả nước 5-10%.
Tại Hội thảo thúc đẩy Kinh tế số TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững diễn ra sáng 7/9, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua TP đã nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế số.
Mục tiêu của Thành phố là đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP; đến năm 2030 là 40% vào GRDP. Các chỉ tiêu kinh tế số của Thành phố hiện cao hơn bình quân cả nước từ 5-10%.
Hiện, TP Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện rất nhiều đầu việc để thúc đẩy kinh tế số. Năm 2021, lần đầu tiên đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học là 15,38% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ). Năm 2022, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ước đạt 18,66%.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông nhìn nhận TP Hồ Chí Minh đang gặp 3 thách thức lớn trong phát triển kinh tế số. Đó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường cũng chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ DN vừa và nhỏ chưa nhiều.
Góp ý cho chiến lược phát triển kinh tế số bền vững của TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, để thúc đẩy kinh tế số phát triển, TP cần phải có đột phá, đó là phải chuyển nhanh một số lĩnh vực của nền kinh tế sang online, phổ cập hóa trí tuệ nhân tạo AI. Việc này đòi hỏi triển khai từng bước, qua các giai đoạn khám phá, nghiên cứu và ứng dụng.
Ông Tuấn phân tích: "Ở giai đoạn ứng dụng cần nhiều kỹ sư ứng dụng. Ai nhanh chân ứng dụng thì người đó hưởng lợi nhiều hơn. Rất may là chúng ta có Nghị Quyết 98 của Quốc hội, vậy thì cần xây dựng bản đồ chính sách để phát triển kinh tế số, với bản đồ này các cơ quan cần nghiên cứu để có lộ trình để ứng dụng, giai đoạn đầu tiên khuyến khích thí điểm".
Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn có 5 lĩnh vực chính Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng cần tập trung phát triển để tạo đột phá về kinh tế số là công nghiệp chế biến-chế tạo, dệt may, logistics, nông nghiệp và du lịch.
Đứng trước áp lực đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ đi đầu cả nước về kinh tế số và xã hội số. Nhưng hiện tại, tỉ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vẫn còn thấp. Nhiều ý kiến cho rằng ngoài xây dựng bản đồ số, hoàn thiện hệ thống công cụ đo lường chỉ số kinh tế số, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng cần được triển khai song song.