Bài toán tiểu học chiều dài của đồng hồ là bao nhiêu gây tranh cãi, người thông minh cũng bó tay (module này đang phát triển)
Giải trí
Bài toán yêu cầu tìm độ dài thích hợp cho đồng hồ mà giáo viên đưa ra. Tuy nhiên sau khi biết đáp án, phụ huynh đã vô cùng phẫn nộ.
Học sinh tiểu học được làm quen với các dạng toán cơ bản như phép tính cộng, trừ, nhân, chia hoặc những bài toán đố đơn giản. Đa phần các giáo viên đều ra những dạng đề không quá khó để học sinh vận dụng kiến thức thực tế và suy nghĩ logic. Tuy nhiên, mới đây, một thầy giáo đã vấp phải những ý kiến trái chiều khi ra bài toán làm nhiều học sinh và phụ huynh phải "bó tay".
Trên mạng xã hội Trung Quốc, một phụ huynh đăng tải bài tập Toán mà thầy giáo giao về nhà cho con trai. Trong đó có một câu hỏi đặc biệt khiến mọi người tranh cãi không ngừng. Bài toán vẽ hình một chiếc đồng hồ đeo tay với yêu cầu học sinh hãy chọn đáp án đúng nhất với chiều dài của chiếc đồng hồ này. Được biết, 4 đáp án đưa ra lần lượt là 2 cm, 12 cm, 22 cm và 52 cm.
Sau khi dùng thước kẻ để đo chiếc đồng hồ trên giấy, nhiều học sinh đã phải đau đầu khi không có đáp án nào phù hợp. Bên dưới câu hỏi, phụ huynh giải thích: "Chiều dài đồng hồ sau khi đo quả thật là 5,5 cm mà cả 4 đáp án đều không trùng khớp nên chúng tôi đã không chọn".
Thế nhưng, sau khi nộp bài, thầy giáo ngay lập tức gạch chéo và nhận định các học sinh đã trả lời sai. Thầy giáo viết ngay dưới lời giải: "Đồng hồ đeo trên tay thì có thể dài bao nhiêu?" Lúc này, các phụ huynh và học sinh mới hiểu ra, thực tế đề bài không phải yêu cầu học sinh tìm ra chiều dài của đồng hồ trên ảnh mà ước lượng chiều dài thực tế của đồng hồ.
Như vậy, đáp án đúng của bài toán này phải là 22 cm, tương tự như chiều dài trung bình của đồng hồ đeo tay ngoài đời thực. Thế nhưng câu trả lời của thầy giáo không thể thuyết phục mọi người. Nguyên nhân là do đề bài chẳng có căn cứ nào để học sinh tìm ra chiều dài của chiếc đồng hồ.
Ngoài ra, bài toán gây tranh cãi vì hiếm có một học sinh tiểu học nào có thể suy luận logic như vậy! Một số netizen bình luận, thay vì yêu cầu "tìm chiều dài của đồng hồ" thì đề nên sửa thành "chọn độ dài phù hợp nhất cho đồng hồ" sẽ hợp lý hơn.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng dạng bài toán này mục đích để học sinh vận dụng trí thông minh suy luận và tư duy từ ngoài đời sống thực tiễn nên không thể giải thích quá lộ liễu. Bài toán đòi hỏi các em học sinh ngoài việc áp dụng công thức trong sách vở mà còn suy nghĩ vấn đề theo nhiều chiều hướng để mở rộng tư duy và đưa ra giải thích hợp lý nhất.