Đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu có lợi hơn gửi tiết kiệm ngân hàng không? (module này đang phát triển)
Thời trang
( PHUNUTODAY ) - Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Chính phủ đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan tới người tham gia BHXH tự nguyện trước khi luật có hiệu lực, dự kiến ngày 1.7.2025.
Quy định về hưởng lương hưu từ BHXH
Theo đó, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Khi nghỉ hưu ở tuổi này, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không bị trừ tỉ lệ hưởng lương hưu như với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lí giải, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu.
Thực tế, Bộ luật Lao động năm 2019 đề ra lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu, để lao động nữ làm đến 60 tuổi (tăng 5 tuổi), lao động nam đến 62 tuổi (tăng 2 tuổi) mới được nghỉ hưu. Theo đó, điều kiện thời gian chờ để được hưởng lương hưu cũng tăng dần.
Để vừa đảm bảo phù hợp với định hướng tăng tuổi nghỉ hưu chung, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung quy định chuyển tiếp với những trường hợp người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được hưởng nguyên điều kiện tuổi hưởng lương hưu như trên.
Thắc mắc của người dân
Đã đóng BHXH được gần 20 năm, bạn đọc Tú Linh không giấu nổi niềm vui khi chạm tay vào lương hưu nếu đề xuất này được thông qua.
"Năm nay tôi đã 56 tuổi và đóng BHXH tự nguyện gần đủ 20 năm rồi. Hy vọng đề xuất đó được thực hiện" - bạn đọc Tú Linh viết.
Bạn đọc Hải Thu bày tỏ: "Trước mẹ tôi chỉ là công nhân mà giờ lương hưu gần 6 triệu/tháng. Mẹ tôi nhiều bệnh già lắm, tiểu đường, tim mạch, xương khớp. Tháng nào cũng đi khám bệnh lấy thuốc không phải trả tiền gì.
Nên trong khả năng, chúng ta nên đóng bảo hiểm xã hội để về già sống thoải mái, không phụ thuộc con cái. Chưa kể, đóng bảo hiểm xã hội tức là mình còn giúp cho người già không có bảo hiểm xã hội, người khuyết tật.
Do đó, đóng BHXH vừa là bảo hiểm tuổi già vừa giúp đỡ nhiều người yếu thế trong xã hội. Tỉ lệ người đóng BHXH ở Việt Nam quá ít dẫn đến nhiều người có hoàn cảnh khó khăn không được hỗ trợ".
"Lương hưu được điều chỉnh thường xuyên nên mức hưởng được cải thiện dần. Nhiều người không nắm rõ cách tính, cứ tính đại khái rồi cho rằng gửi ngân hàng ổn hơn. Việc này làm nhiều người thực sự cần lương hưu hiểu nhầm rồi làm theo, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống khi về già của họ.
Lương hưu của mẹ tôi sau 10 năm được điều chỉnh 6 lần đã tăng gấp đôi. Chưa kể lúc mới nhận lương hưu năm 2005 chỉ 569.000 đồng. Sau 18 năm thì lương hưu tăng gấp 10 lần. Xin hỏi có ngân nào điều chỉnh lãi suất như vậy không?" - bạn đọc giấu tên chia sẻ.
Đồng quan điểm, bạn đọc Việt Hoàng cho hay: "Đóng bảo hiểm xã hội đúng như cái tên của nó. Chúng ta đóng BHXH như mỗi lần lấy gạo nấu cơm, để lại một nắm để góp phòng sau. Ngoài lương hưu ra, người dân còn được hỗ trợ an sinh khi tuổi già. Nhiều người chưa già nên tính thiệt hơn. Nhưng khi về già rồi mới thấy có tí lương rau, cháo quan trọng thế nào".