Nghề lạ ở Việt Nam: Trồng loại cây leo hàng rào, nông dân không cần chăm vẫn “hốt bạc” (module này đang phát triển)
Thời trang
( PHUNUTODAY ) - Mục đích ban đầu của người dân thôn Phong Nam (TP Đà Nẵng) khi trồng cây rau mơ là để làm hàng rào và dùng trong gia đình nhưng dần dần nó đã giúp họ đổi đời.
Cây lá mơ lông tím là một dạng thực vật dây leo, sống lâu năm. Trước đây chúng từng là loại rau mọc dại khắp các hàng rào, bờ bụi… leo bám lên các loại cây cổ thụ. Hai mặt của lá mơ có màu xanh hoặc mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tím tía. Vị của lá mơ hơi đắng, tính mát, thường được sử dụng làm rau sống ăn kèm với các món ăn chứa nhiều đạm.
Công dụng của lá mơ có thể kể đến như: Thanh nhiệt, giải độc, đau bụng, đau khớp… Từ lâu, người dân đã biết dùng lá mơ để trị bệnh đường ruột, chế biến các món ăn ngon như lá mơ hấp trứng, lá mơ trứng chiên, lá mơ ăn kèm với thịt dê. Ngoài ra, lá mơ xào hay ăn sống, chiên,… cũng rất ngon.
Vài năm trở lại đây, lá mơ lông thành đặc sản được dân thành phố ưa chuộng và được bán ở các chợ, siêu thị và rất đắt hàng. Vậy nên thị trường tiêu thụ rộng mở, từ đó nhiều người đã mở rộng mô hình trồng lá mơ lông để kiếm thêm thu nhập.
Những giàn lá mơ hầu như được trồng khắp nơi ở thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng. Đây được xem là một “nghề hái ra tiền”. Lá mơ leo trên những hàng rào bên đường bê tông thẳng thắp, lá mơ leo trên giàn trong vườn nhà và ngoài đồng. Mục đích ban đầu người dân trồng loại rau mơ này là để sử dụng trong gia đình, lâu dần các hộ đua nhau trồng lá mơ để cung cấp cho thị trường. Công việc ổn định, chi phí đầu tư thấp (do lá mơ chỉ cần trồng một lần, thu hoạch nhiều năm) nên người dân thôn Phong Nam có “đồng ra, đồng vào”.
Bà Phùng Thị Thông (85 tuổi) chia sẻ rằng: “Ban đầu thấy lá mơ màu sắc xanh tím lạ mắt, lại làm rau ăn sống được nên tôi xin vài nhánh về trồng chơi. Nào ngờ không cần chăm sóc gì nhiều mà cả dãy tường rào nhà tôi đã rợp kín lá mơ. Thêm vào đó là những ngọn lá xanh non, tươi tốt, làm cho cổng ngõ đẹp mà chẳng cần bông hoa nào”.
Theo lời bà Trần Thị Dục (69 tuổi) thì nghề trồng lá mơ được người dân thôn Phong Nam duy trì đến nay đã hơn 20 năm. Hiện ở thôn có gần 50 hộ dân làm nghề trồng cây rau mơ. Lá mơ được thương lái thu gom tại vườn. Lá mơ hiện có giá 20.000 – 25.000 đồng/kg.
Mùa mưa và những ngày nắng nóng lá mơ thường khó phát triển hơn. Thời điểm này lá mơ có giá 40.000-50.000 đồng/kg, chủ yếu được bán trong các quán nhận làm gia vị.
Mỗi hộ dân có thu nhập trung bình khoảng vài triệu/tháng. Hộ trồng nhiều, một tháng có thể thu hoạch đến 100kg, giá trị thu về tính tiền chục triệu.
Gia đình ông Ngô Văn Lui (51 tuổi) hiện đang trồng 5 sào lá mơ. “Lá mơ không có sâu bệnh nên không phải phun thuốc. Nước cũng không phải tưới thường xuyên như những cây rau khác, có khi một tuần tôi mới tưới một lần”, ông Lùi nói. Mỗi ngày, ông hái khoảng 15-20kg lá mơ, mùa mưa hái được khoảng 30kg do trời mưa nên lá nặng hơn. “Thu nhập từ nghề trồng lá mơ ổn định nên vợ chồng tôi mới xây được nhà cửa”. Nhờ vườn mơ mà ông Lùi có thu nhập khoảng 5-7 triệu đồng mỗi tháng.
Bà Nguyễn Thị Mua (86 tuổi) tận dụng bãi đất trống cạnh mương nước nên làm giàn tre kiên cố để cây lá mơ leo khỏe, mọc nhiều nhánh và phát triển đồng đều. Gắn bó với những giàn lá mơ đã hơn 10 năm, mỗi tháng bà Mua có thêm nguồn thu nhập khoảng 3-5 triệu đồng.
Theo lời bà Mua, cây lá mơ dễ sống nhưng vào mùa mưa đất ẩm ướt, có chỗ bị ngâm trong nước lâu quá sẽ thối rễ, cây chết dần. Mưa lạnh tạo điều kiện thuận lợi để sâu rầy tấn công, đục lá, kìm hãm sự phát triển của cây. Vậy nên để cây cho lá tươi tốt quanh năm, bà phải thường xuyên bón phân, làm cỏ và ngắt bớt ngọn để cây tập trung sức nuôi lá. Giàn tre giúp cây thuận lợi leo lên, cho cành lá sum suê. Thường ngày bà Mua cũng chú ý theo dõi tình trạng phát triển của lá để kịp thời xử lý nếu có sâu bệnh hại.
Cây lá mơ dễ trồng dễ sống lại cho lá quanh năm nhưng phải chăm sóc thường xuyên thì cây mới cho lá to đều, đẹp và xanh tươi. Vào mùa nắng, lá mơ tươi tốt nhất, chỉ cần chăm tưới nước thì cây sẽ sống khỏe, cho lá nhiều và đẹp. Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng. Từ đó về sau, khi cây tàn thì cắt cành để cây nứt ra những cành mới. Nhà trồng ít thì thu hoạch theo đợt, mỗi đợt khoảng 10 ngày, nghỉ ít ngày rồi lại thu hoạch. Nhà nào trồng nhiều thì ngày nào cũng hái, không nghỉ.