Những khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu (module này đang phát triển)
Thời trang
( PHUNUTODAY ) - Dưới đây là một số khoản tiền mà ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ không được thu. Phụ huynh cần nắm rõ về điều này.
Các khoản tiền ban đại diện cha mẹ phụ huynh không được thu
Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản tiền sau đây:
- Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
- Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh:
+ Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;
+ Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
+ Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
+ Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
+ Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
+ Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh
Theo khoản 1 Điều 10 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định như sau:
- Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
- Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện học sinh trường.
Quản lý và sử dụng kinh phí của ban đại điện cha mẹ học sinh
Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến;
Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Các khoản tiền nhà trường được phép thu
- Học phí: Thực hiện theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh/thành phố sẽ quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của mỗi địa phương.
- Bảo hiểm y tế: Theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2012 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh bằng 4,5% nhân mức lương cơ sở nhân với số tháng tham gia tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ Bảo hiểm y tế.
- Quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu: Thực hiện theo Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu chi.
Các khoản thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh ở từng địa phương hoặc thu theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân từng tỉnh/thành như: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú; học 2 buổi/ngày; học phẩm cho trẻ mầm non; nước uống học sinh; dạy thêm học thêm trong nhà trường… sẽ được áp dụng tùy từng địa phương, đơn vị.
Tất cả phải có sự thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh.